Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không thể diễn ra trong một sớm một chiều

Kinh nghiệm xử lý một TCTD yếu kém cần thời gian kéo dài 3 – 5 năm nhưng Việt Nam chỉ mới có 1 năm thực hiện. Có ít nhất 5 nhóm lý do làm cho quá trình tái cơ cấu TCTD gặp khó khăn.

Tái cơ cấu các NHTM qua hình thức M&A có nhiều lợi thế hơn các biện pháp khác
Ngày 08/08/2013, trong khuôn khổ diễn đàn M&A Việt Nam 2013 do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng: 
“Về mặt lý luận cũng như thực tiễn triển khai thời gian qua đều cho thấy việc tái cơ cấu các NHTM thông qua hình thức sáp nhập, hợp nhất có nhiều lợi thế so với các biện pháp khác, tiết kiệm được chi phí, thời gian và nguồn lực, đồng thời giảm bớt được số lượng ngân hàng yếu kém, hạn chế tình trạng sở hữu chéo. 
Chính vì vậy đây là một trong những giải pháp tái cơ cấu được NHNN khuyến khích các Tổ chức tín dụng triển khai thực hiện thông qua việc tạo điều kiện tìm kiếm, giới thiệu đối tác cung cấp thông tin, hỗ trợ về kỹ thuật, pháp lý và thủ tục. 
Đề án 254 cũng khuyến khích các TCTD nước ngoài góp vốn, mua cổ phần,mua lại, hợp nhất TCTD yếu kém cần phải cơ cấu lại của Việt Nam. Đây chính là một lĩnh vực đầy triển vọng, một cơ hội tốt dành cho các nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các NH còn yếu kém của Việt Nam sớm có điều kiện vượt qua khó khăn, tiếp cận được chuẩn mực quốc tế về chất lượng và an toàn hoạt động.”
Về tính hiệu quả của sự tham gia TCTD nước ngoài vào TCTD Việt Nam, ông Tú cho rằng: Hiện có 13 NHTM Việt Nam có sự tham gia cổ phần của ngân hàng nước ngoài tham gia vào. Nhưng 13 ngân hàng này đều không nằm trong đối tượng của những ngân hàng yếu kém. Điều này cho thấy sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào TCTD Việt Nam là hiệu quả, và là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài có thể mạnh dạn đầu tư hơn.

Quá trình tái cơ cấu không thể diễn ra một sớm một chiều
Tuy nhiên các diễn giải và khách tham dự tại diễn đàn cho rằng quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện đang diễn ra khá chậm, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế… và câu hỏi đặt ra liệu quá trình tái cơ cấu này có thể diễn ra nhanh hơn được không? 
Phản biện ý kiến này Bà Nguyễn Thị Hòa Vụ trưởng Vụ Cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng: để xử lý một TCTD yếu kém cần thời gian kéo dài 3 – 5 năm nhưng chúng ta chỉ mới có 1 năm thực hiện. 
Vì sao cần phải có khoảng thời gian từ 3- 5 năm? Bởi quá trình tái cơ cấu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và Việt Nam có khó khăn đặc thù: 
(i) Để đưa ra phương án cụ thể tái cấu trúc tổ chức tín dụng, NHNN đồng bộ các biện pháp thanh tra toàn diện, giám sát chặt chẽ toàn bộ hệ thống để xác định thực trạng tài chính của TCTD. Quá trình thanh tra để xác định đúng thực trạng tài chính, bắt đúng bệnh, kê đúng thuốc cũng đã rất khó khăn. 
(ii) Hệ thống pháp lý chưa đồng bộ để có thể hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu: chưa cơ chế khuyến khích, hỗ trợ xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo, hay miễn giảm thuế đối với các tổ chức hợp nhất, sáp nhập. ..
(ii) Việc tái cơ cấu TCTD động chạm đến nhiều quyền lợi: quyền lợi khách hàng, cổ đông, chủ nợ… Vì vậy không thể trong chốc lát chúng ta có thể giải quyết nhanh gọn lợi ích giữa các bên liên quan. Trong khi đó, các tổ chức yếu kém luôn căng thẳng về vấn đề thanh khoản cần được xử lý nên có những mâu thuẫn là một mặt phải xử lý nhanh, dứt điểm, triệt để,một mặt phải thận trọng. 
(iv) Thiếu nguồn lực tài chính công nên nguồn lực tài chính sẵn có để đưa vào/hỗ trợ quá trình tái cơ cấu hiện này là hết sức hạn chế. 
(v) Nền kinh tế đang gặp khó khăn, tìm được đối tác có đủ nguồn lực để sẵn sàng ngay tức thì để tham gia vào quá trình tái cơ cấu là không đơn giản. 
Với 5 nhóm lý do cơ bản trên, “quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không thể một sớm một chiều được” – Bà Hòa nhận xét.
Phó Thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cũng cho rằng: Đối với các 9 ngân hàng được xem là yếu kém hiện nay cần phải hợp nhất, sát nhập, chúng tôi cho rằng các phương án mà các ngân hàng này đưa ra về cơ bản là những phương án tích cực, được đánh giá và kiểm duyệt chặt trước khi NHNN chấp thuận. Sau 1 năm chưa thể kết thúc quá trình tái cơ cấu nhưng đánh giá sự tích cực và kết quả khả quan của quá trình này.

Theo Trí Thức Trẻ