“Việc thành lập DN bây giờ đơn giản lắm”. Thế mới biết, những con số không phải lúc nào cũng có hồn. Tăng đấy nhưng có thực khỏe hay không lại là chuyện khác.
Những ngày cuối tháng 7 cộng đồng DN đón một tin vui: trong 7 tháng đầu năm đã có khoảng 10.000 DN quay trở lại hoạt động. Số DN tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động tăng qua từng tháng: 4 tháng khoảng 8.300, 5 tháng khoảng 8.800, 6 tháng khoảng 9.300 và tháng 7 khoảng 10.000.
Song song đó, số lượng DN đăng ký mới cũng tăng lên. Cụ thể, trong 7 tháng năm 2013 đã tăng khoảng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong các tháng đầu năm khi mức tăng này ở tháng 5 và tháng 6 chỉ lần lượt 4,8% và 7,6% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh chung đó, số lượng DN ngưng hoạt động lại có xu hướng giảm dần. Theo đánh giá của đại diện Văn phòng Chính Phủ, những con số này đang cho thấy hiệu quả từ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thời gian qua.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, số lượng tăng nhưng chất lượng ra sao? Bởi quay trở lại hoạt động, chất lượng, sức khỏe DN không thể như lúc đầu. Lại thêm bối cảnh giá xăng, giá điện tăng như hiện nay rồi đầu ra đang rất khó khăn, những “người ốm” mới khỏe liệu có chịu nổi, hay lại nhanh chóng trở thành những “con nợ” mới.
Đại diện một DN trong ngành thực phẩm tỏ ra ngao ngán với những số liệu DN đăng ký mới liên tục tăng. Bởi không ít trường hợp DN cũ đang nợ nần, không vay được vốn mới, nhiều chủ DN phải nhờ người nhà đứng tên thành lập DN mới.
“Việc thành lập DN bây giờ đơn giản lắm” – ông nói. Thế mới biết, những con số không phải lúc nào cũng có hồn. Tăng đấy nhưng có thực khỏe hay không lại là chuyện khác.
Ngay bản thân nhiều DN đang cố gắng duy trì hoạt động trong thời điểm này cũng luôn phải chịu sức ép giữa tăng giá đầu vào và kích thích sức mua của người tiêu dùng trong bối cảnh tổng cầu chưa có dấu hiệu khả quan: thị trường trong nước bí, thị trường xuất khẩu lao đao.
Mới đây, Hiệp hội Điều cho hay một vài DN phải từ chối đơn hàng dù giá nhân điều xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, bởi không đủ nguồn cung. Cũng có DN xuất khẩu phải chấp nhận một thực tế làm nhiều lỗ nhiều nên thà làm ít còn hơn.
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng điều này vẫn đang diễn ra hầu như phổ biến. Bản thân ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cũng từng chia sẻ không thể lấy những con số tăng giảm trong việc thành lập mới và ngưng hoạt động để đo lường sức khỏe của DN.
Theo Sài Gòn đầu tư