Nội dung nổi bật:
Bộ luật lao động quy định người lao động làm việc không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 30 giờ trong một tháng và không quá 200 giờ trong một năm, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm. .
Tùy theo số giờ làm thêm của người lao động nằm trong khung hay vượt quá khung quy định mà xác định khoản tiền doanh nghiệp trả cho người lao động làm thêm giờ.
—————————————————————————
Người lao động được phân công làm thêm vượt quá số giờ mức quy định vẫn là một thực tế đang xảy ra trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Hạch toán chi phí trong trường hợp này là vấn đề mà các Doanh nghiệp cần lưu ý.
Bộ luật lao động quy định các doanh nghiệp bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 30 giờ trong một tháng và không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm.
Thực tế hoạt động của doanh nghiệp sẽ phát sinh hai trường hợp:
Thứ nhất, doanh nghiệp phân công cho người lao động làm tăng ca với số giờ theo đúng quy định của pháp luật về lao động.
Thứ hai, do nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động được phân công làm thêm số giờ vượt quá khung quy định mà pháp luật cho phép.
Như vậy, một vấn đề pháp lý được đặt ra là khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), các khoản chi của Doanh nghiệp đối với tiền thanh toán cho người lao động trong hai trường hợp trên được xử lý như sau:
Đối với khoản tiền chi trả tiền làm thêm giờ mà số giờ người lao động làm thêm nằm trong khung mà pháp luật cho phép thì theo quy định, nếu khoản tiền này là khoản chi thực tế phát sinh đến hoạt động của doanh nghiệp và có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp lệ thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Đối với khoản tiền mà Doanh nghiệp trả cho người lao động làm thêm giờ vượt quá quy định của pháp luật lao động,
Công văn 440/TCT-CS ngày 31.01.2013 của Tổng cục thuế có hướng dẫn“nếu doanh nghiệp do nguyên nhân khách quan phải làm thêm giờ thì Cục Thuế phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội để xem xét tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Trường hợp vì các lý do chính đáng doanh nghiệp phải tăng thời gian làm thêm giờ thì khoản chi phí làm thêm giờ doanh nghiệp thực chi trả cho người lao động và có đủ chứng từ theo quy định tại các văn bản về thuế TNDN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, Cục thuế các tỉnh, thành phố sẽ xem xét, đánh giá để cho phép doanh nghiệp được hạch toán hay không. Để có nguồn tham chiếu cụ thể và chính thức, các doanh nghiệp nên đánh giá tình hình doanh nghiệp của mình sau đó xin ý kiến hướng dẫn từ cục thuế của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp mình hoạt động.
Theo Trí Thức Trẻ