DOC chưa cung cấp bản ghi nhớ về phương pháp tính toán đối với chương trình trợ cấp. Bên cạnh đó, DOC đã không xem xét áp dụng thuế đối kháng đối với chương trình miễn thuế tài nguyên nước đối với các bị đơn.
Là một trong những nước có lợi thế về nuôi trồng thủy sản như có vùng nuôi trồng rất lớn, khí hậu phù hợp, nguồn thức ăn chủ động, lực lượng lao động dồi dào… cộng với đó là vốn kinh nghiệm sẵn có nên giá thành của các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam thường có giá thành thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới.
Tuy nhiên, vừa qua Bộ Thương mại Mỹ đã ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ bảy nước, trong đó có Việt Nam. Trước thông tin này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
– PV: Xin ông có thể cho biết rõ hơn về phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ về vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước trong đó có Việt Nam?
Ông Nguyễn Huy Điền: Trong bảy quốc gia bị điều tra sau quá trình thẩm tra, mức thuế suất của Việt Nam đã giảm đáng kể trong khi mức thuế của các nước khác bị tăng lên rất nhiều như Ecuador từ mức 0% lên 13,51%, Trung Quốc từ 5,76% lên 18,16%. Cụ thể, mức thuế suất của Việt Nam đã thấp hơn của Trung Quốc (18,16%), Ấn Độ (10,54% và 11,14%), Ecuador (10,13% và 13,51%) và Malaysia (10,80% và 54,50%). Tuy nhiên, mức thuế suất của Việt Nam lại cao hơn Indonesia và Thái Lan (hai nước này mức thuế suất là 0% do được hưởng mức thuế suất không đáng kể).
Với mức thuế suất cuối cùng đối với bị đơn Nha Trang Seafood (1,15%) và mức thuế suất đối với các doanh nghiệp khác đã giảm đáng kể ( từ 6,07% xuống 4,52%). Tuy nhiên, mức thuế suất cuối cùng áp dụng đối với công ty Minh Phú lại tăng (7,88%) chủ yếu do cách tính thuế của DOC đối với trợ cấp tôm tươi. Hiện tại, DOC chưa cung cấp bản ghi nhớ về phương pháp tính toán đối với chương trình trợ cấp này. Bên cạnh đó, DOC đã không xem xét áp dụng thuế đối kháng đối với chương trình miễn thuế tài nguyên nước đối với các bị đơn.
Không những thế, hiện Hoa Kỳ vẫn chưa cập nhật Việt Nam vào danh sách các nước đang phát triển để được hưởng quy định về mức thuế suất không đáng kể (de minimis) là 2%, do đó, mặc dù mức thuế cuối cùng là 1,15%, Nha Trang Seafood vẫn bị áp thuế.
Ngoài ra, những chương trình DOC xác định không mang lại lợi ích trong giai đoạn điều tra. Trong quyết định sơ bộ, DOC áp thuế đối kháng đối với chương trình cung cấp đất thấp hơn giá thông thường theo Đề án nuôi trồng và phát triển thủy sản. Tuy nhiên, sau quá trình thẩm tra, DOC đã loại bỏ chương trình này.
– PV: Xin ông đánh giá về lợi thế của tôm Việt Nam và phán quyết này đã ảnh hưởng như thế nào đến người nuôi tôm cũng như là ngành chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam?
Ông Nguyễn Huy Điền: Việt Nam có 650ha nuôi tôm. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích ven biển và diện tích ngập mặn lớn thì người nuôi tôm chỉ cần quảng canh cải tiến đã có thể cho thu hoạch 250kg/ha. Nếu đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và kỹ thuật mỗi năm có thể tăng lên hàng trăm nghìn tấn. Riêng tôm thẻ chân trắng cho thu hoạch tới gần 50 tấn/ha. Ngoài ra, nguồn thức ăn của Việt nam đã hoàn toàn chủ động bởi nếu tính riêng phụ phẩm từ gạo xuất khẩu là rất lớn, hiện chỉ phải nhập bột cá.
Trong những năm gần đây, do chuyển dịch cơ cấu từ trồng trọt sang nuôi trồng thuỷ sản nên lực lượng lao động trong lĩnh vực thuỷ sản dồi dào, cộng với vốn kinh nghiệm sẵn có nên giá thành của các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam thường có giá thành thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới.
Theo tôi, với mức áp thuế chống trợ cấp ban đầu mà DOC đưa ra là hơn 10%. Tuy nhiên, trước lập luận từ phía Việt Nam, mức áp đã hạ xuống 7,88%, song đây vẫn là điều vô lý bởi thực chất ngành nuôi trồng chế biến tôm của Việt Nam không nhận được sự hỗ trợ nào như cáo buộc.
Với phán quyết này, trước hết sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người nuôi trồng thủy sản và các nhà chế biến xuất khẩu tôm; nó làm cho giá thành con tôm sẽ thấp đi, do bị đánh thuế cao, các nhà chế biến sẽ mua tôm với giá thấp hơn, và khi giá mua của các doanh nghiệp thấp đi tức là ảnh hưởng đến giá bán của người nuôi trồng thủy sản.
– PV: Tổng cục Thuỷ sản đang có động thái gì trước phán quyết này và liệu có thể thay đổi việc áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam hay không thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Điền: Trước phán quyết này, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam, đầu mối là Cục Quản lý canh tranh (Bộ Công Thương) tiếp tục phối hợp với luật sư tư vấn của Chính phủ để làm rõ hơn phương pháp tính đối với chương trình này, tiếp tục đề nghị DOC xem xét sửa đổi phán quyết về chương trình này.
Theo quy định pháp luật chống trợ cấp của Hoa Kỳ, trong trường hợp Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) ra phán quyết phủ định về thiệt hại/đe dọa thiệt hại do hàng nhập khẩu được trợ cấp gây ra cho ngành sản xuất nội địa, vụ việc sẽ được hủy bỏ. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh tại ITC về vấn đề này. Dự kiến, ITC sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 19/9/2013.
– PV : Xin ông cho biết khả năng của Việt Nam như thế nào trong vụ kiện này?
Ông Nguyễn Huy Điền: Như các bạn đã biết, những nhà sản xuất tôm của Hoa Kỳ là những người khởi kiện, Bộ Thương mại Hoa Kỳ là cơ quan phán xét thì chúng tôi cho rằng khi tất cả những cáo buộc được đặt ra, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết cung cấp cho họ đầy đủ thông tin về điều kiện sản xuất của Việt Nam để họ thấy rằng chúng ta sản xuất trên điều kiện thuận lợi như vậy, do đó, giá thành sản xuất rẻ, đó là sự hợp lý.
Theo tôi, nếu được sự đồng tình ủng hộ của những người tiêu dùng Hoa Kỳ thì tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ không chỉ mang lại lợi nhuận cho ngành nuôi trồng chế biến thuỷ sản trong nước mà còn mang lại quyền lợi cho chính người tiêu dùng Mỹ.
– PV: Xin cảm ơn ông!
Theo TTXVN