Thị trường điện cạnh tranh đã vận hành được hơn 1 năm. Theo EVN và các cơ quan quản lý thì thị trường điện cạnh tranh bước đầu được xác lập với sự tham gia của hơn 60 nhà máy phát điện.
Giá mua điện vào các thời điểm, vào giờ cao điểm, thấp điểm đã được điều chỉnh hợp lý. Các văn bản điều hành cũng đã được tiếp tục hoàn thiện. Cùng với việc đưa vào hoạt động Tổng công ty phát điện 1 (EVNGENCO 1) tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh với 13 nhà máy nhiệt điện và thủy điện, tổng công suất đạt hơn 3.000MW, chiếm 12% tổng công suất phát điện của cả nước.
Qua đây có thể thấy, EVN đang rất tích cực và chủ động tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Họ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tham gia thị trường này.
Thế nhưng theo chủ đầu tư các nhà máy điện bên ngoài EVN, hiện nay vẫn chưa có thị trường điện cạnh tranh đích thực. Khi đơn vị phát điện lớn nhất là EVNGENCO 1 do EVN nắm 100% vốn, công ty truyền tải điện, công ty mua bán điện đều là công ty con của EVN.
Như vậy, thị trường điện cạnh tranh vẫn chủ yếu là của EVN vừa phát điện vừa truyền dẫn và phân phối. Trên thực tế, các nhà máy điện bên ngoài EVN rất khó chen chân bán điện vào giờ thấp điểm từ 22h-5h (còn gọi là giờ A0). Vào giờ cao điểm, EVN có thể mua điện từ tất cả các nguồn, nhưng vào giờ thấp điểm việc mua điện phải được ưu tiên cho các nguồn của EVN (theo lý thuyết sẽ có chào giá cạnh tranh, nhưng trên thực tế các nguồn khác rất khó có thể cạnh tranh được(?!).
Trong thời điểm hiện nay, tất yếu phải vận hành thị trường điện cạnh tranh. Nhưng để có một thị trường phát điện cạnh tranh đích thực, cần phải tách khâu truyền tải và kinh doanh điện ra khỏi EVN. Khi đó, EVN sẽ tham gia thị trường như một bên phát điện, cùng các nguồn khác chào giá bình đẳng, cạnh tranh để có được một giá điện cạnh tranh đích thực. Khi đó, sẽ bớt đi cảnh EVN luôn than lỗ nhưng giá điện vẫn tăng hằng năm.
Người tiêu dùng sẽ không còn cảnh “đến hẹn lại lên” đón nhận tin tăng giá điện, mà không hiểu tại sao ngành điện vẫn lỗ(?!). Hy vọng khi có thị trường phát điện cạnh tranh đích thực, khách hàng dùng điện sẽ được hưởng lợi thực chất từ thị trường này.
Đặc biệt là các chủ đầu tư bên ngoài EVN không còn cảnh nhà máy vẫn vận hành, điện vẫn phát ra, nhưng không bán được toàn bộ công suất lên lưới vì không thể cạnh tranh được với các nguồn của EVN.
Theo Báo Lao động