“Các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam là điểm đến đầu tư trung và dài hạn”.
Đây là nhận định của ông Neil MacGregor, Giám Đốc Điều Hành Savills Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2013, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), các nhà đầu tư Nhật Bản đã đóng góp gần 4,1 tỉ USD vào tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp vừa đăng ký và bổ sung vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Singapore giữ vị trí thứ hai với tổng đầu tư xấp xỉ 3,72 tỉ USD.
Mới đây, quỹ đầu tư Warburg Pincus, chủ của chuỗi thương mại cao cấp Neiman Marcus, đã đầu tư $200 triệu đô vào mô hình bán lẻ mới của Vingroup. Quỹ đầu tư EXS Capital từ Nhật Bản gần đây cũng đã đầu tư 37 triệu USD vào công ty bất động sản Sơn Kim Land.
Theo đại diện Savills, thị trường bất động sản Việt Nam sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực. Khi mà suất đầu tư của phân khúc bất động sản thương mại trên toàn thế giới vẫn có dấu hiệu giảm mạnh thì thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang có dấu hiệu “chạm đáy” của chu kỳ bất động sản và đang trên đà hồi phục. Điều này mang lại lợi thế về giá cả cho các nhà đầu tư quốc tế so với các thị trường lân cận như: Indonesia, Philippine và Malaysia.
Thêm vào đó, nền tảng cơ bản của kinh tế Việt Nam vẫn đang vững mạnh. Theo Liên hợp quốc, Việt Nam đang sở hữu tháp dân số lý tưởng từ năm 2008 đến 2035 với số lượng dân số trong độ tuổi lao động vượt mức số dân số phụ thuộc. GDP được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan và tình hình chính trị ổn định cũng là một lợi thế không nhỏ so với các nước khác.
Hơn thế nữa trên thị trường đang hiện hữu nhiều cơ hội đầu tư. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tính hiệu quả của các thương vụ mua bán và sáp nhập. Đặc biệt với lợi thế huy động vốn sẵn có, các nhà đầu tư Nhật Bản càng dễ dàng nắm bắt các cơ hội này.
Số liệu thống kê nửa đầu năm 2013 cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục với những chuyển biến tích cực: lạm phát kìm lại ở mức 2,4%, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tăng trở lại bao gồm nguồn vốn mới đăng ký cũng như nguồn vốn đã giải ngân, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quý 2/2013 đạt 5%, lãi suất huy động tiếp tục giảm xuống mức 7% và lượng kiều hối tại thành phố Hồ Chí Minh đạt xấp xỉ 1.9 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế với những chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp gần đây như: Quốc hội biểu quyết để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ trần lãi suất huy động vốn ngắn hạn, áp dụng việc giảm 50% thuế VAT cho các giao dịch căn hộ thương mại với diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu /m2, cùng với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội v.v…
Theo Trí Thức Trẻ