Khối ngoại đang rút vốn?

Thời gian quan, khối ngoại liên tục bán ròng đã tác động tiêu cực làm thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh.

Động thái này khiến nhiều người quan ngại không biết nhà đầu tư nước ngoài đang tái cơ cấu hay rút vốn khỏi thị trường mới nổi. Các công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư cần cảnh giác với động thái bán ròng của khối ngoại.
Chỉ trong vòng 5 phiên (từ ngày 19 – 23/8), khối ngoại đã bán ròng gần 460 tỷ đồng trên sàn HoSE. Riêng ngày 23/8, khối ngoại tiếp tục bán ra 386.000 cổ phiếu VNM, giá trị bán ròng của VNM lên tới hơn 40 tỷ đồng.

Trụ cột bị bán mạnh
Deutsche Bank AG London Branch đã công bố bán ra hơn 1,5 triệu cổ phiếu VNM trong khoảng thời gian từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 8/2013. Tuy nhiên, tổ chức này cũng mua lại 810.000 cổ phiếu VNM trong giai đoạn qua và tổ chức liên quan là Deutsche Asset Management (Asia) mua vào 376.000 cổ phiếu VNM. Như vậy, quỹ này và các tổ chức liên quan đã bán ròng 395.000 cổ phiếu VNM (tính đến ngày 15/8), giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ VNM xuống 5,95%, tương đương nắm giữ 49.579.430 cổ phiếu VNM.
Khối ngoại chủ yếu bán tập trung vào các cổ phiếu trụ cột và các cổ phiếu có vốn hóa lớn trên sàn, kể cả VNM – cổ phiếu luôn trong tình trạng hết room từ trước tới nay. Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 100 tỷ đồng VNM, khiến cổ phiếu này hiện còn hở room gần 800.000 đơn vị; các cổ phiếu ngân hàng như VCB, STB, CTG, EIB, BVH, GAS… đều nằm trong danh sách bị bán ròng trong đó VCB bị bán mạnh nhất với hơn 1,3 triệu cổ phiếu, khối lượng bán ròng tại VCB là hơn 780.000 đơn vị.
Trước áp lực bán tập trung vào các cổ phiếu trụ cột trên thị trường đã gây nên cơn địa chấn trên sàn HoSE kéo theo hàng loạt cổ phiếu khác bị bán tháo, giảm giá mạnh hơn 9 điểm xuống 486 điểm.
Theo VCSC, hiện nay chứng chỉ quỹ Van Eck (Market Vector ETF) đang giao dịch ở mức chiết khấu 3,53%, đây là mức rất thấp nên VCSC lo ngại áp lực rút tiền của nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ lặp lại.
Như vậy, chỉ tính từ ngày 1/6 – 20/8, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.087 tỷ VND trên cả 2 sàn HSX và HNX, chiếm tới 55% tổng lượng mua ròng trong 5 tháng đầu năm, chủ yếu là do quỹ ETFs.
Trên thị trường trái phiếu, khối ngoại cũng bán ròng mạnh mẽ hơn, chỉ chưa đầy 2 tháng, họ đã bán gần 11.000 nghìn tỷ đồng, bằng 96% tổng lượng mua ròng trong 5 tháng đầu năm. Cùng với lượng bán ròng cao, mức giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng thấp và giảm tới 30 – 40% so với những tháng trước đây.

Ảnh hưởng rủi ro lớn
Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) nhận định thị trường Việt Nam chịu ảnh hưởng từ rủi ro đang tăng lên trên thị trường thế giới nói chung và châu Á nói riêng. Chỉ số bảo hiểm vỡ nợ (CDS) gần đây đã tăng rất mạnh tại châu Á, và CDS tại đa số các thị trường đã đạt đỉnh mới của năm.
Công ty CP Chứng khoán Bản Việt nhận định thị trường có thể hồi nhẹ về vùng 500 điểm nhưng các nhà đầu tư nên tận dụng nhịp hồi này để hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp và hạ tỷ lệ tiền vay về mức an toàn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng rút vốn của khối ngoại đối với các thị trường mới nổi chưa có dấu hiệu chững lại. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thailand, Philippines, thậm chí cả Hàn Quốc… đều cho thấy dòng vốn đang sụt giảm nhanh chóng.
Việt Nam không thể là ngoại lệ khi mức độ hấp dẫn dòng vốn ngoại không cao. Các vấn đề nợ xấu ngân hàng, bất động sản đóng băng, chứng khoán chưa thu hút mạnh thì việc bán ròng là điều đương nhiên.
Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng nếu chương trình nới lỏng định lượng của FED sớm kết thúc, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định từ việc rút vốn của khối ngoại, đặc biệt là từ các quỹ ETF.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn BVSC vẫn nhìn thấy những cơ sở nâng hỗ trợ thị trường, như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang cải thiện theo chiều hướng tích cực, khả năng mở “room” cho khối ngoại tăng tỷ lệ sở hữu ở một số ngành, doanh nghiệp… nên nhà đầu tư, tránh đua bán bằng mọi giá bởi thị trường sẽ sớm tìm được vùng giao dịch cân bằng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định tình hình kinh tế vĩ mô bắt đầu ổn định trở lại, công ty quản lý nợ quốc gia đi vào hoạt động, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài sắp được ban hành sẽ phần nào níu kéo được lòng tin của nhà đầu tư.
Đồng thời, trong khi chỉ số “hấp dẫn” P/E của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp giúp cho các quỹ đầu tư tiếp tục gắn bó để đầu tư lâu dài.

Theo Thời báo kinh doanh