“Đắng lòng” cổ phiếu mía đường

Hiện nay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại với mặt hàng đường tăng mạnh, thậm chí vận chuyển công khai giữa ban ngày khiến cơ quan chức năng khó bó tay.

Những năm trước, cổ phiếu mía đường luôn mang lại lợi nhuận cao với vị ngọt đủ sức hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, phong vị “ngọt ngào” của mía đường không còn nữa, hàng loạt khó khăn đã ảnh hưởng rõ nét đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành mía đường.
Lĩnh vực mía đường đang rơi vào tình trạng cung vượt cầu, thị trường đóng băng, tiêu thụ chậm khiến biên lãi gộp giảm, hàng tồn kho tăng. Hơn nữa, giá đường thế giới liên tục sụt giảm, đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp niêm yết.
Tình trạng buôn lậu đường, gian lận thương mại đang làm cho nhiều nhà máy đường rơi vào cảnh thua lỗ… Đặc biệt, doanh nghiệp mía đường trong nước đang phải đối mặt với khối lượng lớn đường nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc… khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn.

Còn đâu lợi nhuận đột biến!
Theo đó, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp mía đường niêm yết đã sụt giảm mạnh, nhà đầu tư sẽ không còn được “thưởng thức” hương vị ngọt ngào của cổ phiếu mía đường như trước. Các doanh nghiệp mía đường niêm yết trong ngành dù đã có kế hoạch đối phó với những khó khăn trên, nhưng cũng không lường hết nỗi u ám của thị trường.
Trên sàn niêm yết, biên lãi gộp của 7 doanh nghiệp mía đường niêm yết bình quân chỉ đạt 12,6%. Một số doanh nghiệp có lợi nhuận biên sụt giảm mạnh như KTS chỉ còn hơn 9,8%, SBT giảm mạnh nhất từ 21% xuống còn 13%…
Đây là vấn đề khá nghiêm trọng, khiến lãi ròng của các doanh nghiệp chỉ đạt 263 tỷ đồng, giảm sâu 45% so với cùng kỳ 2012.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp niêm yết đạt gần 5.000 tỷ đồng, giảm 5,8%. Trong đại hội cổ đông, chỉ có LSS đề ra kế hoạch tăng gấp đôi lợi nhuận, do cải tiến được chất lượng giống mía tốt đạt 30%, nên sản lượng và năng suất mía sẽ tăng cao. Tuy nhiên, trời không chiều lòng người, lãi quý II của LSS chỉ đạt vỏn vẹn 8,5 tỷ đồng, giảm 66,8% so với cùng kỳ năm trước, khiến cho cổ đông hụt hẫng.
Các doanh nghiệp mía đường lớn khác đều dè dặt với kế hoạch lợi nhuận. BHS là doanh nghiệp lâu đời trong ngành mía đường, những năm trước thường báo lãi hàng trăm tỷ đồng, nhưng quý II/2013, BHS bất ngờ báo lỗ gần 16 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác thận trọng hơn trong việc xây dựng kế hoạch thấp nên tránh được báo cáo ngược so với kế hoạch đề ra. Các doanh nghiệp mía đường niêm yết mới hoàn thành 40% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng vượt kế hoạch như: NHS, SECvà SLS và không bị sụt giảm lợi nhuận, giúp các cổ đông phần nào bớt lo lắng.
Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp mía đường phải đối mặt là hàng tồn kho tăng cao. Tính bình quân, hàng tồn kho các doanh nghiệp mía đường cuối quý II tăng 61% so với đầu năm. Đây quả thật là con số đáng báo động cho đầu ra của sản phẩm. Trong khi đó, nếu nông dân tiếp tục tăng diện tích trồng mía, thì áp lực tiêu thụ mía càng tăng cao và hàng tồn kho sẽ tiếp tục ùn ứ, chất cao như núi.
Theo Bộ NN&PTNT, niên vụ sản xuất mía đường 2012 – 2013, sản lượng mía đạt trên 19 triệu tấn và đã sản xuất được 1,53 triệu tấn đường. Diện tích mía cả nước là 298.200ha, tăng hơn vụ trước 15.000 ha, năng suất mía bình quân đạt 63,9 tấn/ha (tăng so với vụ trước 2,2 tấn/ha).

Khó khăn chồng chất
Cuối tháng 7/2013, lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn 426.000 tấn, cao hơn cùng kỳ vụ trước 187.000 tấn. Nếu lượng đường tiêu thụ không tăng thì cung đang vượt cầu khoảng 200.000 tấn (chưa kể lượng đường tối thiểu sẽ phải nhập khẩu là 73.500 tấn đường theo cam kết WTO). Đây sẽ là áp lực rất lớn đối với các công ty mía đường niêm yết khi vào vụ mới.
Lượng tồn kho cao cộng với đường nhập lậu, gian lận thương mại chưa được ngăn chặn hiệu quả, áp lực đầu ra sẽ càng lớn. Các doanh nghiệp đã đề nghị xin được phép xuất khẩu để giải quyết khâu đầu ra, nhưng vẫn còn vướng nhiều thủ tục.
Hiện nay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại với mặt hàng đường tăng mạnh, thậm chí vận chuyển công khai giữa ban ngày khiến cơ quan chức năng khó bó tay. Tình trạng pha trộn phẩm màu, đóng gói bao bì không được quy định và kiểm soát thiếu chặt chẽ; việc cấp phép cho các cơ sở được sản xuất kinh doanh đường đóng gói góp phần công khai, hợp thức hóa đường nhập lậu.
Các cơ quan chức năng quản lý trong lĩnh vực mía đường đang gặp khó khi cơ sở pháp lý không theo kịp chiêu trò lách kẽ hở luật pháp của gian thương nên đành bất lực trước đường nhập lậu.
Trong niên vụ mía vừa qua, giá đường giảm mạnh các nhà máy đường không thể giảm giá mua mía nguyên liệu để đảm bảo thu nhập của nông dân. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ làm cho các nhà máy đường gặp khó khăn về tài chính, có nhiều nhà máy đường thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa.
Giải pháp trước mắt là cần phải ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại, để doanh nghiệp bớt phải chống đỡ với nhiều khó khăn thử thách.

Theo Thời báo kinh doanh