Không ít chủ đầu tư đã phải bỏ của chạy lấy người trong khi siêu dự án vẫn còn trên giấy hoặc bị bỏ mặc hay thu hồi.
Dừng triển khai Dự án Hòn ngọc Việt Nam 125 triệu USD
Mới đây nhất, UBND tỉnh Bình Định vừa quyết định chấm dứt hoạt động đối với ba dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án Hòn ngọc Việt Nam của nhà đầu tư Nga ALT, vốn đầu tư 125 triệu USD.
Dự án này, hồi tháng 5/2013 đã bị Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định hối thúc khẩn trương thực hiện Dự án. Vào thời điểm đó, Ban đã yêu cầu, đến ngày 30/6/2013, nếu chủ đầu tư không trình phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Dự án, thì sẽ xem xét để thu hồi chứng nhận đầu tư.
Dự án được cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2010, dự kiến triển khai xây dựng một khu du lịch, nghỉ dưỡng trên diện tích 125 ha, với các hạng mục như khách sạn, biệt thự, kinh doanh tour du lịch… tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng.
Thu hồi Dự án Hòn Ngọc châu Á 2 tỷ Euro
Trong số các dự án du lịch đã bị thu hồi, phải kể đến những tên tuổi lớn như Hòn Ngọc châu Á trị giá 2 tỷ euro tại Phú Quốc của Tập đoàn Trustee Suisse (Thụy Sĩ) và một đối tác khác trong liên doanh là công cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới (VINACONEX R&D) đề xuất từ cuối năm 2007, với các hạng mục quan trọng như khu trung tâm tài chính, khu phức hợp đô thị – du lịch.
Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã có nhiều động thái để thúc tiến độ dự án. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư Trustee chậm nhất là đến cuối tháng 2/2012 phải hoàn thành việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, chậm nhất là cuối tháng 8/2012, nhà đầu tư phải hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, sau đó tình hình vẫn không có gì thay đổi. Đến tháng 6/2013, UBND tỉnh Kiên Giang đã thống nhất thu hồi chủ trương đầu tư Dự án.
Vina Universal 50 triệu USD “chết yểu”
Năm 2007, Tập đoàn Tân Tạo (ITA) được cấp phép đầu tư dự án phim trường Vina Universal, vốn đầu tư 50 triệu USD. Đây được coi là dự án lớn xây dựng một trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch tổng hợp đồng thời là phim trường tầm cỡ khu vực và quốc tế trên diện tích gần 2.600 ha tại tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng đến đầu năm 2011, ITA tuyên bố không triển khai dự án nữa vì hết tiền đầu tư.
Sau khi cấp phép, năm 2008, tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch dự án 1/2000 trên diện tích gần 2.570 ha mặt đất, mặt biển tại khu vực phía Nam huyện Đức Phổ, để nhà đầu tư triển khai phim trường. Thế nhưng 3 năm qua Tập đoàn Tân Tạo vẫn “án binh, bất động”.
Siêu dự án Bãi Biển Rồng 4,15 tỷ USD bị thu hồi
Dự án Bãi Biển Rồng (Dragon Beach) có tổng vốn đăng ký đầu tư 4,15 tỉ USD, triển khai trên diện tích 400ha tại xã Điện Dương (huyện Điện Bàn), được tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 22/9/2009.
Theo kế hoạch xây dựng, Dragon Beach sẽ bao gồm một khu liên hiệp du lịch biển cao cấp, bao gồm khách sạn, casino, trung tâm thương mại, một trung tâm hội nghị quốc tế, và một khu giải trí…Theo dự án, bãi biển này sẽ biến thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ quốc tế và cũng là dự án du lịch lớn nhất miền Trung.
Vì lý do không thực hiện việc ký quỹ đảm bảo đầu tư số tiền 4 triệu USD và chưa triển khai lập các hồ sơ thủ tục đầu tư theo quy định, tháng 5/2010 UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất thu hồi dự án Dragon Beach do nhà đầu tư Dragon Beach Group (liên doanh giữa hai công ty của Hoa Kỳ là Tano Capital LLC và Global D&C INC) làm chủ đầu tư.
Theo Trí Thức Trẻ