Con cháu ai? Họ hàng với ai?

Một công ty cũng giống như một cá nhân, có những mối quan hệ “họ hàng” nhất định và việc giao dịch với “họ hàng” cũng khá phổ biến. Nhưng với một người thứ 3, những mối quan hệ và giao dịch này có ý nghĩa gì và làm thế nào để biết được thông tin về những giao dịch này?
Mình ‘có họ’ với nhau không?
Đôi khi chúng ta cũng không nhớ hết được mình họ hàng với những ai. Đặt vào tình huống của một công ty, ngoài những “họ hàng” hiển nhiên như công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, công ty con cùng tập đoàn, thì báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp thường bỏ sót một phần rất quan trọng: cá nhân.
Cần lưu ý rằng các cá nhân “có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp biểu quyết ở các doanh nghiệp báo cáo dẫn đến có ảnh hưởng đáng kể tới doanh nghiệp, kể cả các thành viên mật thiết trong gia đình của các cá nhân này (như bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột)” và “các nhân viên quản lý chủ chốt có quyền và trách nhiệm về việc lập kế hoạch, quản lý và kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp báo cáo” cũng được coi là các bên liên quan theo quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Dư luận gần đây nói nhiều đến vấn đề “sở hữu chéo” ngân hàng mà một trong những cách phổ biến nhất là nhờ bạn bè, ‘đệ tử’, hoặc các pháp nhân có liên quan nắm hộ cổ phiếu, nhiều trường hợp cá nhân giữ tới 20-30% cổ phần mà chẳng bao giờ phải công bố thông tin, trong khi vẫn thoải mái điều hành từ hậu trường bằng cách cử người thân tín vào HĐQT. Chặt chẽ ra mà nói, phải coi ông này là bên liên quan vì trên thực tế cả cổ phần lẫn những quyết định trọng yếu của doanh nghiệp đều là của ông.
Thậm chí, nếu chỉ là lãnh đạo một bộ phận của công ty, nhưng có toàn quyền kiểm soát chính sách về tài chính và kinh doanh, cũng phải coi là “bên liên quan”.
Chuẩn mực kế toán Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp trình bày quan hệ với các bên liên quan cũng như các giao dịch lớn với các bên liên quan này. Đặc biệt được chú ý thường là giao dịch với những người lãnh đạo doanh nghiệp như tiền lương, vay, v.v… vì các giao dịch này khá nhạy cảm và các cá nhân nói trên có vai trò rất quan trọng với doanh nghiệp.
Một số thị trường quan trọng trên thế giới (như sàn giao dịch chứng khoán New York) còn yêu cầu trình bày danh tính của từng lãnh đạo chủ chốt, vị trí nắm giữ, thời gian, tiểu sử sơ bộ và mức lương mỗi năm.

Có phải “lụy” ai không?
Không phải tất cả người dùng báo cáo tài chính đều ý thức được tầm quan trọng của những thông tin dạng này. Ngay cả bản thân các doanh nghiệp vốn có trách nhiệm theo dõi và trình bày những thông tin đó cũng không phải là ngoại lệ.
Ví dụ bạn đang định đầu tư vào công ty Xanh. Cầm trên tay báo cáo tài chính của Xanh, bạn nhận thấy công ty này tiến hành rất nhiều giao dịch với công ty Đỏ. Đỏ và Xanh đều là công ty con của công ty mẹ là Màu. Thậm chí, doanh thu bán hàng cho Đỏ chiếm đa số trên tổng doanh thu của Xanh. Điều này có ý nghĩa gì?
Thứ nhất, Xanh phụ thuộc rất nhiều vào Đỏ về mặt tài chính. Xanh sẽ lâm vào tình thế hết sức khó khăn nếu như Đỏ chuyển sang sử dụng một nhà cung cấp khác (có thể do định hướng của Màu). Đầu tư vốn vào một công ty mà hầu như không tự định đoạt được số phận của mình như Xanh chắc chắn là việc bạn sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Thứ hai, cần phải xem xét lại mức độ lợi nhuận của Xanh trong năm trước. Cần nhớ rằng Xanh và Đỏ là hai công ty con của Màu và do đó, khả năng rất cao là Màu sẽ có quyền chi phối số lượng cũng như mức giá bán cho những giao dịch giữa Xanh và Đỏ.
Nếu như Màu chủ trương giảm mức giá bán hàng của Xanh cho Đỏ, mức lợi nhuận cao của Xanh mà bạn đang thấy trên báo cáo tài chính sẽ ngay lập tức sụt giảm. Đến lúc này, chắc chắn bạn sẽ muốn xem lại quyết định đầu tư vào Xanh của mình.

“Gia phả” tìm ở đâu?
Báo cáo tài chính chắc chắn sẽ là điểm đến đầu tiên và thuyết minh báo cáo tài chính là nơi công ty thường trình bày các thông tin này. Tuy nhiên, cần chú ý rằng thông tin về quan hệ và giao dịch với các bên liên quan thường không được trình bày tập trung trong một thuyết minh nhất định.
Ngoài thuyết minh về chủ sở hữu của công ty và giao dịch với các bên liên quan, thông tin về các bên này còn có thể được trình bày ở các thuyết minh khác như thuyết minh về các khoản đầu tư (công ty con và công ty liên kết), về các khoản phải thu phải trả (số dư thương mại và phi thương mại với các bên liên quan), v.v…
Sẽ có trường hợp bạn không tìm thấy giao dịch với các bên liên quan trong báo cáo tài chính của công ty mà bạn quan tâm. Thực tế, có rất nhiều các công ty tại Việt Nam hiện đang rất yếu về việc thiết lập và duy trì một hệ thống thu thập và quản lý thông tin về các bên liên quan. Do đó, việc không trình bày hoặc trình bày không đầy đủ thông tin về các bên liên quan trên báo cáo tài chính là một hệ quả tất yếu.
Trong trường hợp này, việc tìm kiếm thông tin về giao dịch với các bên liên quan sẽ là vô cùng khó khăn. Các kênh thông tin khác thường được sử dụng để tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp như báo cáo của chuyên gia phân tích hay báo chí trong việc đề cập đến những thông tin về các bên liên quan, mặc dù còn khá hạn chế.
Việc phát triển một hệ thống hoàn chỉnh để theo dõi và quản lý thông tin về các bên liên quan ở các doanh nghiệp nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định về trình bày thông tin trên báo cáo tài chính chắc chắn sẽ còn cần nhiều thời gian và nỗ lực từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Đáng buồn là chuyện “công khai gia phả” không phải lúc nào cũng được coi trọng.

Theo Trí Thức Trẻ