Lâu nay khi nhắc tới ngôi vị “Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới”, ta vẫn chỉ căn cứ vào lượng gạo XK hàng năm, còn chất lượng để định mức giá gạo thì đó là một câu chuyện rất khác.
Có khoảng 70% lượng gạo XK của Việt Nam là loại phẩm cấp thấp (25% tấm). Đến nay gạo Việt Nam chưa có một thương hiệu nào nổi tiếng để thế giới nhắc tới, giống như khaodakmali, basmati của Thái Lan và Ấn Độ. Mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) tham gia XK gạo với nhà khoa học nghiên cứu giống lúa chất lượng cao tuy được hô hào nhiều nhưng thực tế theo Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL tại cuộc trò chuyên riêng với chúng tôi là “chưa từng xảy ra”. Một sự thật dù không muốn cũng phải tin…
Giật mình do mãi chạy theo số lượng
Nhìn lại giá gạo Việt Nam thời gian qua so với giá gạo của các nước cùng tham gia XK gạo có tiếng trên thế giới, trong đó có Thái Lan, quả thật, tất cả những ai quan tâm đến hạt gạo Việt đều có thể chạnh lòng. Đó là hạt gạo Việt luôn lót tót theo sau và có xu hướng ngày càng cách biệt. Cách nay 5 năm, gạo 5% tấm của Việt Nam bán ra giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan gần 70 USD/tấn. Năm sau đó, con số chênh lệch này là 123 USD/ tấn. Hiện nay, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 400 USD/tấn FOB, thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan là 140 USD/tấn, của Ấn Độ là 40 USD/tấn).
Chính thực tế này, ngoại tệ do hạt gạo mang về nhiều lúc tỉ lệ với lượng gạo xuất đi. Chẳng hạn năm 2008, Việt Nam xuất 4,7 triệu tấn gạo, thu về 2,9 tỷ USD. Sang năm 2009, lượng gạo xuất vọt lên trên 6 triệu tấn, nhưng thu về chỉ 2,6 tỷ USD. Hay như trước đó, năm 2001, ta xuất hơn 3,5 triệu tấn nhưng ngoại tệ mang về chỉ tương đương năm 1995 xuất 2 triệu tấn….
Trong một hội thảo mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong cho biết, xu hướng người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi gạo chất lượng cao; trong khi đó, hạt gạo XK của Việt Nam bị cạnh tranh quyết liệt do nguồn cung cấp dư thừa. “Đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Chúng ta không nên chạy theo số lượng nữa, không nên xuất 7 – 8 triệu tấn mỗi năm nữa mà cần chú trọng đến chất lượng nhằm nâng giá trị hạt gạo lên” – ông Phong bày tỏ quan điểm.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, không chỉ với hai “nhà vô địch” thực thụ là Thái Lan và Ấn Độ, hiện Việt Nam còn phải cạnh tranh với một số nước XK gạo lớn, trong đó có Mỹ, Pakistan. Campuchia cũng được đánh giá sẽ là đối thủ cạnh tranh về XK gạo của Việt Nam. Sự cạnh tranh càng ngày càng gay gắt này khiến giá gạo trên thị trường thế giới khó tăng, lợi ích kinh tế từ XK gạo cũng thế. Và, câu hỏi khi nào nông dân ĐBSCL – chủ thể trực tiếp làm ra hạt gạo, phục vụ khoảng 99% lượng gạo XK bớt nghèo? Vẫn chưa có lời giải trong một sớm, một chiều.
DN làm ngược, nhà khoa học… “ở không”
Trò chuyện với chúng tôi, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL (Bộ NN&PTNT), cho rằng bấy lâu nay, cộng đồng DN tham gia XK gạo của Việt Nam vẫn có cách làm ngược so với bạn bè thế giới. “Ở nhiều nước, khi muốn XK gạo và cả những nông sản khác, các DN tiến hành khảo sát, tìm hiểu kỹ thị trường nơi đó thích ăn gạo gì, chất lượng ra sao, số lượng bao nhiêu. Xong, sẽ về đặt hàng với nhà khoa học, nhà sản xuất làm cho đúng yêu cầu. Còn ở mình, DN đi đấu thầu trúng với số lượng bao nhiêu đó rồi về, đi xuống dân mua thì làm sao có gạo đồng nhất đạt cả chất lượng và số lượng.
Viện lúa ĐBSCL khẳng định từ trước tới giờ các công ty lương thực, các DN tham gia XK gạo, trong đó có các DN trong VFA, chưa bao giờ tới đây đặt hàng để chúng tôi phải sản xuất giống này, giống nọ. Hiện với những giống đang có, nếu DN đặt hàng, tạo vùng nguyên liệu từ giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng, chúng tôi sẳn sàng cung ứng để đạt độ thuần tốt, chất lượng tốt. Khi có vùng nguyên liệu tốt; gắn kết với sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay ViệtGAP… chắc chắn, chúng ta sẽ đạt hiệu quả cao” – ông Bảnh cho biết.
Ông Bảnh cho biết, những giống lúa nổi tiếng của Thái Lan, Ấn Độ và Mỹ được thị trường thế giới biết hầu hết cũng là giống lúa mùa, giống như giống Tám Thơm, Nàng Thơm Chợ Đào có mùi thơm siêu hạng ở nước ta. Những loại này, mỗi năm một vụ, năng suất chỉ khoảng 2 – 3 tấn/ha.
“Người ta có nhiều là do được DN đặt hàng; nên dù năng suất ít nhưng khi làm ra, nông dân vẫn bán, thu được nhiều tiền, từ đó tạo ra vùng nguyên liệu lớn, sản lượng lớn. Và họ làm theo tiêu chuẩn an toàn nên sẽ có thương hiệu. Ở mình, do không ai đặt hàng nên diện tích những giống lúa này hẹp. Đối với nhiều giống lúa chất lượng cao khác cũng thế…” – ông Bảnh kể.
Vẫn theo lời ông Bảnh, vấn đề thương hiệu, trước tiên DN phải có nhu cầu đặt hàng và làm theo tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP), với số lượng lớn. Hiện tại Viện lúa ĐBSCL có rất nhiều giống tốt mà có thể sản xuất đại trà trên diện tích đến hàng trăm ngàn ha/giống/mỗi vụ. Trên một cánh đồng thuần chủng như vậy thì mới có thể làm thương hiệu.
“Nếu cứ đổ thừa là do DN không có kỹ thuật, ít vốn, không có người để làm vùng nguyên liệu, ai bán lúa gì tôi mua lúa nấy… thì gạo Việt muôn đời không có thương hiệu” – ông Bảnh cho biết
Theo Công an nhân dân