Tái cơ cấu ngân hàng: Khi con nợ và chủ nợ là một

Không ít nợ xấu ở một số ngân hàng lại thuộc về chính các ông chủ ngân hàng…

Hành trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã qua một quãng đường nhưng vấn đề sở hữu chéo và sở hữu lũng đoạn vẫn như một thách thức lớn. Dù chưa có chế tài xử lý triệt để nhưng theo các chuyên gia, cần sớm đưa các ông chủ tập đoàn tư nhân ra khỏi môi trường ngân hàng để bảo đảm các nguyên tắc và chuẩn mực hoạt động và quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ.
Vấn đề sở hữu chéo và sở hữu lũng đoạn trong hoạt động ngân hàng được cảnh báo khoảng một năm trước đây. Và nay, chúng lại nóng hổi hơn khi tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang va vào đó như là một trở lực lớn.

Con nợ và chủ nợ là một!
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban Cố vấn Chính phủ, vấn đề đặc biệt quan trọng tiếp theo không hề đơn giản sau xử lý nợ xấu và sắp xếp lại hệ thống theo đúng chuẩn mực quốc tế trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng chính là xử lý nạn sở hữu chéo, sở hữu có tính lũng đoạn trong hệ thống ngân hàng.
Sở dĩ như vậy là bởi không ít nợ xấu ở một số ngân hàng lại thuộc về chính các ông chủ ngân hàng, hay nói cách khác, chủ nợ và con nợ được “tích hợp” trong một chủ thể. Các ông chủ này có đủ quyền lực để biến nợ xấu ngắn hạn thành nợ xấu trung dài hạn.
Đến nỗi, các nhà kiểm toán đã phải thốt lên: có nhiều tập đoàn tư nhân, rất có khả năng về dòng tiền đảm bảo cho họ có thể thanh toán những khoản nợ của mình lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng trong tương lai.
Rất có thể rằng, những khoản nợ trong các tập đoàn tư nhân ngày hôm nay đang là nhóm 1 hay 2 nhưng trong tương lai, nếu như nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản phục hồi chậm và nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ thị trường mua bán nợ, chúng lập tức biến thành nợ nhóm 4 hay nhóm 5.
Và sau thời gian cả nền kinh tế đang gồng mình xử lý những khoản nợ xấu của quá khứ thì một thời gian sau, lại phải đón nhận thêm những khoản nợ xấu khác.
Trên thực tế, việc áp dụng những quy định quản trị rủi ro hoặc những quy định bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ đối với các ngân hàng thuộc dạng trên gần như rất khó thực hiện, chứ chưa nói đến việc áp dụng các tiêu chí an toàn, nguyên tắc đòn bẩy tài chính hay tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mực quốc tế.
Biết rõ thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị trên dưới 10 đề án, bao gồm: các quy định chuẩn mực quốc tế về kế toán; phân loại tài sản và trích lập dự phòng rủi ro; quản trị, quản trị rủi ro; các chỉ tiêu an toàn theo Basel II; quy cách kiểm toán nội bộ; hệ thống thông tin quản lý, thay đổi chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng thương mại.
Các chương trình này được cho là “đạn đã lên nòng” để áp dụng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống nhưng khi Ngân hàng Nhà nước vừa định thử nghiệm Thông tư 02 thì vấp phải sự kêu ca của hàng loạt tổ chức tín dụng, buộc phải hoãn thêm một năm rưỡi.
Ông Nghĩa cho biết thêm, để xử lý vấn đề này thì không thể ngày một ngày hai, thế nên, các chuyên gia trong Ban Cố vấn Chính phủ đã cảnh báo với Chính phủ rằng, hiện cơ sở pháp lý, chế tài xử lý sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn hiện còn thiếu, trong khi nếu hình sự hóa vấn đề này thì sẽ tác động không tốt đến hệ thống ngân hàng vốn được cho là rất nhạy cảm.
“Nhưng dù với cách nào, nếu họ vi phạm các nguyên tắc, chuẩn mực hoạt động ngân hàng thì cần phải đưa họ ra khỏi hệ thống ngân hàng, thậm chí ra khỏi hệ thống tài chính, trả họ về với tập đoàn của mình. Sắp tới, một số ngân hàng cần được xử lý theo hướng này, để tránh những cú sốc trong ngắn hạn và tổn thất do nợ xấu trong dài hạn”, ông Nghĩa nói.

Vỏ quýt dày, móng tay có nhọn?
Không phải bỗng dưng mà đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) ít nhất hai lần trong nửa năm qua tại hai hội thảo chuyên ngành, đã nêu những cảnh báo về vấn đề vốn thực ở không ít ngân hàng khi bàn đến vấn đề sở hữu chéo.
Ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đánh giá thận trọng nguồn lực tài chính của các cổ đông khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng để từ chối những nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính, sử dụng vốn vay ngân hàng để góp vốn, mua cổ phần và tham gia tái cơ cấu ngân hàng”.
Như vậy, đặt vấn đề vốn thực, được hiểu là các cổ đông lớn góp vốn vào ngân hàng không phải bằng năng lực tài chính của chính mình, thậm chí lấy cả tiền gửi của dân, diễn tấu qua nhiều bút toán “phù thủy” để biến thành phần vốn góp của mình.
Ngoài ra, để đối phó với tình trạng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn như cách đặt vấn đề của ông Nghĩa, ông Thọ cũng nêu một số giải pháp tiếp theo mà Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành như: xây dựng quy định về việc các khoản cho vay để góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng phải loại bỏ khỏi vốn lõi khi xác định tỷ lệ an toàn tối thiểu, nhằm hạn chế tình trạng sở hữu, đầu tư chéo. Tiếp đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sở hữu chéo, đầu tư chéo để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
Song song, Ngân hàng Nhà nước đã và đang yêu cầu các bộ, ngành, tập đoàn lớn của nhà nước triển khai kế hoạch sớm thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước tại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, loại bỏ sự can thiệp dễ dãi đối với các khoản tín dụng để tránh rủi ro.
Cùng đó, tăng cường giám sát đối với các cổ đông và nhà đầu tư lớn của ngân hàng trong quan hệ tín dụng với ngân hàng để hạn chế nguy cơ chi phối của lợi ích nhóm.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng mở cơ chế phối kết hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của các tổ chức tín dụng trên thị trường chứng khoán.

Theo Vneconomy