Giáo sư Ngô Bảo Châu nói chuyện với 1.000 thành viên của Viettel và hãng viễn thông lớn thứ nhì thế giới công bố lộ trình phát triển đến năm 2020 là hai câu chuyện tưởng chừng không liên quan. Thế nhưng…
Những người leo núi
Website của Viettel là một trong những kho dữ liệu độc đáo, chứa nhiều thông tin hay. Toàn bộ băng ghi hình của cuộc trò chuyện giữa giáo sư Ngô Bảo Châu và 1.000 cán bộ của Viettel là một trong những điều hay này.
Nhà toán học làm rạng danh người Việt nói nhiều về chủ đề dạy và học, nhưng lồng trong đó là nhiều thông điệp về cuộc sống, về khát vọng và về cống hiến. Ông bảo: “Làm việc, nghiên cứu cũng giống như leo núi. Chúng ta chỉ có một cách là tìm được đỉnh núi cao, rèn luyện phương pháp và bắt đầu leo lên thôi. Những lúc trượt chân, những lúc mệt mỏi, những lúc yếu lòng sẽ xuất hiện rất nhiều nếu chọn một đỉnh núi khó. Nhưng nếu có ý chí, thế nào cũng leo đến nơi”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ tập đoàn Viettel chia sẻ: “Chúng tôi luôn muốn tìm những câu hỏi khó nhất để tự trả lời, qua đó sẽ kéo được bản thân mình lên”. Và họ thống nhất với nhau, rằng chính những trải nghiệm đầy đam mê của việc “leo núi” này mang lại sức sống cho mỗi con người, mỗi tổ chức và cả cộng đồng.
Câu hỏi mà người Viettel hay hỏi nhất, lại là một câu đơn giản nhất nhưng cũng khó trả lời nhất: “Viettel đang làm gì cho Việt Nam?”. Định vị một doanh nghiệp là chuyện khó, nhưng định vị một sứ mệnh của một đơn vị kinh doanh của quân đội lại càng khó hơn.
Câu chuyện hành trình leo núi của hai người đàn ông này được chuyền tay nhau khắp Viettel, kèm theo là rất nhiều bình luận. “Đầu năm nay công bố khát vọng toàn cầu, giờ mời chuyên gia toàn cầu tới để đốt lửa”; “Nhà mình leo núi bằng cả nghĩa đen luôn mà, có đỉnh nào ở Việt Nam mà chưa leo lên gắn trạm phát sóng đâu”; “Chúng ta đã đạt 3 nhất: Vùng phủ sâu rộng nhất, dung lượng lớn nhất và chất lượng mạng lưới tốt nhất. Vậy là đã xong một dãy núi lớn rồi. Chắc các sếp muốn thêm nhiều đỉnh nữa…”.
Và những người đi về vùng sâu
Trong bảng xếp hạng toàn cầu về viễn thông, thì Vodafone thường xếp thứ nhì về độ lớn, chỉ sau mạng viễn thông của quốc gia có dân số đông nhất thế giới là Trung Quốc. Nhưng những khát vọng mà tập đoàn có chi nhánh ở nhiều quốc gia nhất này trong bảng kế hoạch hướng đến năm 2020 thì chắc là lớn nhất, bởi họ mong muốn liên kết cùng tất cả mọi người mang lại những giá trị sống tích cực hơn cho những người dân ở những vùng địa lý bị thiệt thòi hơn thông qua việc cung cấp những giải pháp thông tin hiệu quả nhất đến những vùng sâu nhất.
Đọc bản chiến luợc của Vodafone, mới hiểu một điều: đằng sau một doanh nghiệp thành công vượt bậc phải là một triết lý kinh doanh cộng đồng thật mạnh mẽ. Và Viettel đang là một ví dụ sinh động về điều này. Ví dụ này, thật ra không được minh họa bằng những con số “khủng” như 775 trạm phát sóng dọc theo khu vực biên giới, 1.400 trạm phát sóng dọc bờ biển và các đảo ở Biển Đông, hay mạng cáp quang dài hơn 150.000 km – tức là gấp 4 lần chu vi trái đất đã lan đến từng xã. Và bằng những gói dịch vụ mang những cái tên đầy chất nhân văn: “Gói cước dành cho ngư dân”; “Gói cước buôn làng” hay “Tôi là sinh viên”… Từng ngày một, Viettel lặng lẽ lan xa, mang thông tin, internet và công nghệ đến từng góc nhỏ nhất của những vùng nghèo nhất. Và chúng tôi gọi những điều họ đang làm là tạo ra những vi mạch của cuộc sống, mang một luồng sinh khí mới đến cho cộng đồng.
“Ở Viettel, chỉ riêng việc hỏi đúng vấn đề đã được đánh giá là giải quyết được tới 70% công việc rồi. Việc đặt câu hỏi thậm chí còn quan trọng hơn cả việc trả lời vì chỉ khi những người có trăn trở với tồn tại, nghiên cứu kỹ lưỡng mâu thuẫn thì mới đặt được câu hỏi tường minh”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ tập đoàn Viettel
Theo Báo Tin tức/Vietnamplus