Các doanh nghiệp cà phê cần chiến lược mới

Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước phá sản hàng loạt thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tăng vốn đầu tư vào sản xuất.

Xuất khẩu cà phê tê liệt, doanh nghiệp (DN) và người nông dân đang “chết đứng” đã làm nóng Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2012-2013 do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) tổ chức ngày 1-11 tại TP.HCM.

Giá giảm do đầu cơ
Hiện nay (ngày 1-11), giá cà phê nhân xô nước ta đã đồng loạt giảm mạnh xuống còn 29.700- 30.100 đồng/kg, thấp nhất trong hơn ba năm qua. So với đầu tháng 10-2013, giá cà phê đã giảm hơn 16%; nếu so cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê mất 23%. Nhiều DN cho biết giá cà phê trong nước tiếp tục đà giảm sâu khó có điểm dừng khi thị trường cà phê thế giới tiếp tục giảm giá.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch VICOFA, nguyên nhân giá giảm do nguồn cung trên thế giới như Brazil, Indonesia, Colombia tăng. Họ bán ra ào ạt với giá rẻ để giải phóng lượng lớn tồn kho. Tuy nhiên, nguyên nhân có tác động lớn đến từ sự tháo chạy của các nhà đầu cơ thế giới khỏi sàn giao dịch ngành hàng nông sản. Điều này khiến các sàn giao dịch cà phê chính là ICE (New York) và NYSE Liffe (London) giảm hoạt động mua bán hàng hóa khiến giá giảm mạnh. 
“Chi phí sản xuất 1 ha cà phê tại Việt Nam hiện nay tốn khoảng 75 triệu đồng, năng suất bình quân 2,4 tấn/ha thì giá thành sản xuất hơn 31.000 đồng/kg. Như vậy, mức giá cà phê hiện đã chạm giá thành sản xuất, nếu bán nông dân không có lãi, DN mua vào xuất khẩu chỉ có lỗ nặng. Cộng thêm DN chậm được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), nợ ngân hàng đã khiến cả ngành cà phê chết cứng, không hoạt động xuất khẩu” – ông Hải cho hay.
Ngành cà phê trong nước vẫn phát triển tốt nếu được chú trọng đầu tư, xây dựng thương hiệu để tìm thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia lĩnh vực cà phê, cũng cho rằng giá cà phê giảm do nhà đầu cơ trên thế giới rút vốn khỏi sàn giao dịch. Cụ thể, sau khi chính phủ Mỹ thông báo sẽ điều tra tình trạng đầu cơ, tăng giá ảo trên các sàn giao dịch, các ngân hàng tại Mỹ chuyên cấp vốn cho các lĩnh vực nông sản cũng đã “đóng giao dịch” khiến các nhà đầu cơ không có vốn mua cà phê vào. 
Sợ điều tra, các nhà đầu cơ trên thế giới đã chuồn khỏi sàn giao dịch khiến giá cà phê thế giới giảm mạnh trở về giá trị thực của nó. Thậm chí giá cà phê nội địa của Việt Nam đã tuột dốc không phanh dưới giá thành sản xuất, còn nông dân ở Brazil đã biểu tình đòi tăng giá bán vì chẳng còn lợi nhuận.

DN FDI đang “cứu” ngành cà phê
Mặc dù vậy nhưng ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch VICOFA, cho hay chỉ có DN trong nước phải chịu còn các DN FDI vẫn sống tốt. Đặc biệt là những DN FDI chuyên sản xuất cà phê hòa tan lại sống khỏe, công suất tiêu thụ hơn 34.000 tấn cà phê/năm, chiếm gần 90% lĩnh vực này. Cụ thể, công suất Công ty TNHH Nestlé Việt Nam lên tới 15.000 tấn/năm, Công ty TNHH Cà phê Ngon 15.000 tấn/năm và Công ty TNNH Olam Việt Nam cũng đạt đến 4.000 tấn/năm. Trong khi đó DN Việt Nam chỉ có hai DN hoạt động trong lĩnh vực này là Tập đoàn Trung Nguyên có công suất 2.000 tấn/năm, Công ty CP Vinacafé Biên Hòa 4.000 tấn/năm.
Theo ông Hải, các DN FDI đang tiếp tục đầu tư mở rộng, xây nhà máy, tăng thu mua, hỗ trợ nông dân sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu. Ở lĩnh vực xuất khẩu cà phê nhân, sản lượng xuất khẩu của DN FDI đã chiếm 35%-40%. Tuy nhiên, đầu tư một nhà máy cà phê hòa tan công suất 3.000 tấn/năm phải tốn khoảng 40 triệu USD, năng lực của DN Việt Nam là không thể. Trong khi DN FDI lại được ưu đãi về thuế, có tiềm lực vốn nên không thể cạnh tranh lại.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, đừng chỉ nhìn về mặt tiêu cực đối với DN FDI, sức họ mạnh thì đương nhiên mình không thể theo kịp. Nhưng DN Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể làm được bằng khả năng của mình như thương hiệu cà phê hòa tan của Trung Nguyên, Vinacafé. Nếu chúng ta chú trọng đầu tư, xây dựng thương hiệu, làm theo chuỗi liên kết, ngành cà phê có chính sách phát triển sản phẩm cao cấp, biết tìm thị trường thì cũng sẽ sống khỏe.
“Hãy nhìn về khía cạnh tích cực, con số 58.000 tấn cà phê xuất khẩu trong tháng 10-2013 cũng chỉ DN FDI xuất được còn DN trong nước đã “đứng hình” hoàn toàn. Ngành cà phê, giá cà phê sẽ ra sao nếu DN FDI không có giao dịch với thị trường thế giới, chắc chắn còn khủng hoảng hơn thời điểm hiện tại. DN FDI đã giúp ngành cà phê Việt Nam có hoạt động, giữ được giá, giữ được thị trường” – ông Bình nhận định.
Xuất khẩu cà phê vẫn đề ra “thành tích”
Dự báo xuất khẩu cà phê năm 2013 chỉ 1,4 triệu tấn, đạt giá trị khoảng 3 tỉ USD, giảm hơn 11% về lượng, 10% về giá trị so với cùng kỳ. Sắp tới, VICOFA sẽ cùng với ban điều phối ngành hàng cà phê thực hiện đề án phát triển cà phê bền vững, tái canh cà phê già cỗi, sản xuất hàng hóa lớn với các sản phẩm đa dạng giá trị gia tăng cao. Mục tiêu giữ diện tích sản xuất cà phê 600.000 ha, sản lượng 1,7 triệu tấn/năm, trị giá xuất khẩu đạt 3,8-4,2 tỉ USD vào năm 2020.

Theo Pháp luật TPHCM