Ngành hàng cà phê đang bên bờ vực

Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, nhiều DN gian lận thuế, mua giá cao nhưng bán ra giá thấp, trong khi các DN làm ăn chân chính gặp muôn vàn khó khăn từ cơ chế hoàn thuế VAT khiến ngành cà phê bất ổn.

Hội nghị ngành hàng cà phê tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM đã “nóng” hừng hực khi vô số những khó khăn, bất cập đang gây bất ổn nghiêm trọng ngành hàng này được các DN nêu ra.
Đặc biệt là tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, nhiều DN trốn thuế, gian lận thuế, mua giá cao nhưng bán ra giá thấp, trong khi các DN làm ăn chân chính gặp muôn vàn khó khăn từ cơ chế hoàn thuế VAT và giá bán đang tụt dốc không phanh…
QUÁ NHIỀU KHÓ KHĂN
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (VICOFA), cho biết: Sản xuất cà phê nước ta đang gặp nhiều khó khăn như tình trạng hạn hán kéo dài khiến khoảng 5.000 ha cà phê bị mất trắng và khoảng 40.000 ha khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chi phí đầu vào tăng, lượng cây cà phê già cho năng suất thấp chiếm đến 30% diện tích khiến sản lượng cà phê sụt giảm. Bên cạnh đó, người trồng cà phê đang đối mặt với tình trạng giống kém chất lượng, phân giả, thuốc giả…
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, giá cà phê năm nay biến động thất thường. Thời điểm cuối năm 2012 giá cà phê nhân trong nước ở mức trên 38.000 đồng/kg, quí I/2013 tăng lên hơn 44.000 đồng/kg.
Nhưng đến tháng 10/2013 giá cà phê Robusta nhân xô nội địa đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 30.700 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 2,4 tấn/ha, trừ chi phí khoảng 75 triệu đồng/ha, thì hiện nay giá bán cà phê ở một số vùng trồng có năng suất ở mức dưới trung bình đang thấp hơn giá thành.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu là chủ DN sản xuất, kinh doanh cà phê phát biểu với những trăn trở, lo lắng liên quan đến vấn đề hoàn thuế VAT, về tình trạng các DN làm ăn không chân chính khiến họ càng thêm khó khăn hơn.
“Hiện nay, thủ tục thành lập DN quá dễ. Chỉ cần có CMND (thậm chí không phải của mình) cũng có thể đăng ký thành lập DN, được tự in hóa đơn, xuất khống hóa đơn GTGT để chiếm đoạt tiền thuế. Các DN này không có kho bãi nhưng thu mua số lượng cà phê lớn với giá cao hơn thị trường, sau đó bán ra với giá thấp, lấy tiền thuế chiếm đoạt bù lỗ để hưởng chênh lệch rồi bỏ trốn.
Trong khi đó, lượng cà phê không hợp pháp đầu vào đã qua tay rất nhiều DN trung gian. Nếu DN XK mua phải thì không được khấu trừ thuế, trong khi thuế này đã trả cho DN trước”, ông Đỗ Quyệt, đại diện Cty XNK 2-9 Đăk Lăk bức xúc nói.
Ngoài ra, vướng mắc từ cơ chế hoàn thuế VAT cũng gây khó khăn không nhỏ cho các DN. Có DN từ tháng 2/2013 đến nay vẫn chưa được hoàn thuế, thậm chí có DN có số tiền hoàn thuế lên tới 30 – 40 tỷ nhưng vẫn bị cơ quan thuế “ngâm” vì chưa xác minh xong các thủ tục. Đây là nguyên nhân khiến các DN kẹt vốn, khó thu mua kịp thời cà phê ở niên vụ mới.
Theo ông Đỗ Hà Nam, TGĐ Cty CP Intimex, trước đây việc hoàn thuế VAT được cơ quan thuế làm theo nguyên tắc hoàn trước, kiểm sau. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại ra công văn áp dụng “kiểm trước hoàn sau” khiến DN XK gặp nhiều khó khăn hơn trong vấn đề tài chính. “Quy định này là bất hợp lý vì các mặt hàng nông sản XK nói chung và cà phê nói riêng hiện nay đều phải mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian mới đến DN chế biến, XK.
Do đó, để đợi được hoàn thuế VAT, nhiều khi hồ sơ của DN bị ngâm vô thời hạn vì cơ quan thuế không xác định được hóa đơn đến người bán cuối cùng”, ông Nam bức xúc. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, TGĐ Cty Packsimex cho biết: “Hiện chúng tôi đã phải tạm ngưng xuất khẩu vì “vướng” quy định kiểm trước hoàn sau mà cơ quan thuế đang áp dụng”.
CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP “NÓNG”!
Với những khó khăn đặt ra trước mắt, để ngăn đà giảm giá cà phê trong nước, giúp các DN vượt qua khó khăn, Vicofa đã liên tục có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế Quốc hội để đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Vicofa đề nghị Bộ Tài chính xử lý nghiêm các DN trốn thuế gây rối thị trường. Cách làm vừa qua đã đánh chưa trúng (kiểm tra trước, hoàn thuế VAT sau), các DN trốn thuế chưa bị xử lý mà lại tập trung vào các DN XK hàng thực, mua hàng của DN cung cấp có hóa đơn tài chính nhưng không được hoàn thuế.
Vì vậy, VICOFA đề nghị bỏ quy định mới về kiểm soát hoàn thuế VAT này, trước mắt tạm dừng thu thuế VAT đối với ngành hàng cà phê để chấn chỉnh và lập lại trật tự. VICOFA cũng đề nghị Chính phủ triển khai thu mua tạm trữ từ 200.000 – 300.000 tấn cà phê để ngăn đà giảm giá liên tục thời gian qua.
Cùng tham dự Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (A86) Bộ Công an nêu quan điểm, ngành cà phê đang có nhiều yếu tố bất ổn, tình trạng gian lận thuế GTGT phức tạp. “Hiện A86 đang tích cực điều tra và sẽ mạnh tay xử lý khi có kết quả điều tra về các DN làm ăn gian dối, để thu hồi tiền thuế bị chiếm đoạt bất chính cho nhà nước”, ông Thế nói.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ lập ban tái canh cà phê nhằm giúp các tỉnh Tây Nguyên có nguồn giống tốt, chất lượng cao cũng như nâng cao tỷ lệ sống của cây cà phê sau khi được trồng lại trên nền diện tích cà phê già cỗi trước đó. Ban tái canh cà phê đã có đủ nguồn tài chính cho việc nghiên cứu giống, khắc phục khống chế tuyến trùng gây chết cây cà phê khi trồng lại.
Theo VICOFA, hiện Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) đã đồng ý cam kết dành một gói tín dụng ưu đãi 12.900 tỉ đồng để giúp DN, nông dân đầu tư chương trình trồng, chăm sóc, tái canh, thu mua chế biến XK cà phê. Thời gian vay từ 7 – 10 năm, lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất cơ bản, trong đó, có 3 năm ưu đãi không lãi suất.

Theo Nông nghiệp Việt Nam