Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm. Để khắc phục tình trạng trên, cần triển khai các nhóm giải pháp như: xây dựng các danh mục dự án đầu tư ưu tiên, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ vốn tín dụng, nâng cao tính hấp dẫn của nguồn nhân lực trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp…
Cần triển khai các nhóm giải pháp để tăng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Nguồn: internet
Tỷ trọng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp giảm mạnh
Trong giai đoạn 2006 – 2011, nền kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động khiến hoạt động sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao… song ngành nông nghiệp vẫn đóng góp bình quân trên 17% GDP. Năm 2012, ngành nông nghiệp trở thành “cứu cánh” của nền kinh tế với mức đóng góp 22% GDP. Tuy nhiên, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm cả nông – lâm – ngư nghiệp) hiện đang rất khiêm tốn so với sự đóng góp của khu vực này cho GDP và thậm chí đang có xu hướng giảm dần.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2000 – 2011, đầu tư FDI vào nông nghiệp chiếm khoảng 2,3% FDI cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang giảm dần. Trong năm 2012, tính chung cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, Việt Nam thu hút được 13,013 tỷ USD vốn FDI thì chỉ có 87,8 triệu USD được “rót” vào nông nghiệp, tức là chỉ chiếm hơn 0,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2012. Tính lũy kế đến hết năm 2012, Việt Nam đã thu hút được 213,651 tỷ USD vốn FDI đăng ký, trong đó vốn FDI đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ là 3,357 tỷ USD, tức là chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2013, mặc dù Việt Nam thu hút được 398 dự án FDI mới và 160 dự án tăng vốn, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 8,17 tỷ USD nhưng cũng chỉ có 4 dự án mới đầu tư vào lĩnh vực nông lâm, thủy sản với tổng vốn đăng ký đạt 10,71 triệu USD.
Những con số trên cho thấy khu vực nông nghiệp – nông thôn đang gặp khó khăn trong việc thu hút dòng vốn FDI. Việc gỡ những “nút thắt” để dòng vốn này chảy vào khu vực nông nghiệp nông thôn là rất cấp thiết.
Nguyên nhân của những khó khăn
Có thể kể đến những “nút thắt” khiến cho nông nghiệp – nông thôn trở thành “khu vực hẻo lánh” đối với FDI là:
Thứ nhất, chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, phù hợp để thu hút FDI vào nông nghiệp; chưa có cơ quan ngành theo dõi và giúp đỡ giải quyết những vướng mắc trong quá trình xúc tiến và thực hiện các dự án FDI; chưa có cơ chế phối hợp giữa ngành với địa phương, cơ chế chính sách về quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông sản cho các dự án FDI đã cấp phép không được thực thi trong thực tế.
Số lượng và chất lượng nguyên liệu ở Việt Nam không phù hợp với dây chuyền công nghệ của nhà đầu tư, việc phát triển vùng nguyên liệu khó khăn do điều kiện hạ tầng kém, thời tiết phức tạp… Bên cạnh đó, nhiều vùng sản xuất nguyên liệu nông sản chưa có quy hoạch, hoặc đã có nhưng không được thực thi nghiêm túc để tạo vùng sản xuất tập trung có uy tín, có thương hiệu với hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và đầy đủ theo yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn cho toàn vùng.
Mặt khác, do chưa có quy hoạch, hoặc quy hoạch lỏng lẻo, thiếu chế tài hữu hiệu quản lý các vùng sản xuất tập trung nên đã tạo ra sự phát triển tự do, cạnh tranh tùy tiện và cả độc quyền vô nguyên tắc đã làm cho thị trường nguyên liệu nông sản trong vùng trở nên hỗn loạn, lúc tăng, lúc giảm và tình trạng này lại được một bộ phận các nhà quản lý cả ở trung ương và địa phương xem là “đúng theo quy luật của cơ chế thị trường” đã dẫn đến kết cục là không tạo được vùng nguyên liệu phát triển ổn định, có sự kiểm soát của nhà nước về nguồn gốc, chất lượng nông sản.
Thông tin về từng dự án trong danh mục dự án quốc gia gọi vấn còn rất sơ lược, thiếu chuẩn xác, chưa chỉ rõ các vùng đầu tư ở đâu và điều kiện thế nào, và đặc biệt mang nặng mong muốn chủ quan của cơ quan chủ quản và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, chưa tính đến động lực và lợi ích thực tế của nhà đầu tư FDI nên không thu hút được quan tâm của nhà đầu tư FDI.
Thứ hai, sản xuất nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro, tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp so với các ngành công nghiệp. Các DN FDI trong lĩnh vực nông nghiệp thường yêu cầu nhiều vốn phục vụ đào tạo chuyên môn cho lao động và đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của sản xuất nông nghiệp như thủy lợi nội đồng, đường liên thôn bản, hệ thống dẫn nước trong sản xuất nông nghiệp và các công trình phúc lợi cho công nhân tại các cơ sở chế biến nông sản, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các DN FDI trong công nghiệp, thương mại không phải chịu những khoản đầu tư này.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng và tay nghề ở khu vực nông thôn chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê, hiện nay tổng số lao động trong ngành nông nghiệp cả nước là 46,7 triệu người, chiếm 74,6% tổng lực lượng lao động toàn xã hội nhưng lại có tới 83% trong số 46,7 triệu người này chưa hề qua bất kỳ một lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật nông nghiệp nào.
Các vùng sản xuất chưa được chuyên môn hóa với kết cấu hạ tầng đồng bộ; cơ cấu sản xuất chưa ổn định, thiếu tầm nhìn dài hạn. Các chủ thể sản xuất nông nghiệp chủ yếu là các hộ gia đình với phương thức sản xuất truyền thống, kỹ thuật giản đơn, chưa được đào tạo về chuyên môn quản lý, kỹ thuật.
Phương thức sản xuất như vậy đã không hấp dẫn các nhà đầu tư FDI trong việc làm ăn với nông dân ta. Thêm vào đó hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng chưa phát triển đủ mạnh và toàn tâm phục vụ nông nghiệp, chưa tạo đủ vốn tín dụng cho người sản xuất nông nghiệp đã làm tăng gánh nặng về vốn tiền mặt ngắn hạn lên các DN nói chung và nhà đầu tư FDI nói riêng trong việc thu mua sản phẩm của nông dân, dẫn đến làm suy giảm động lực của họ trong đầu tư vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chưa hình thành được các chuỗi giá trị bền vững từ cung ứng đầu vào, canh tác trên đồng ruộng, thu hoạch, đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ, tình trạng chia cắt, tranh chấp đã tạo ra thị trường nông sản nguyên liệu không lành mạnh, mang tính phổ biến làm nản lòng các DN và nhà đầu tư FDI.
Thứ tư, do thủ tục hành chính, chính sách chung về đất đai chưa thuận lợi, quỹ đất dành cho nhà đầu tư tại các địa phương manh mún, nhỏ lẻ thiếu quy hoạch đồng bộ, không đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; chính sách thuế, thủ tục đầu tư và các chế độ ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp của các địa phương chưa rõ ràng…
Đồng thời, Nhà nước chỉ tập trung ưu tiên cho công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao mà “quên” mất các dự án liên quan đến nông nghiệp và nông thôn. Tỷ lệ bảo hộ thực tế đối với nông sản lại quá thấp (dưới 3%) so với hàng công nghiệp (lên tới trên 200%), hệ thống bảo hiểm nông nghiệp hầu như không hoạt động khiến nhà đầu tư “ngần ngại” khi đổ tiền vốn vào lĩnh vực này.
Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI
Để có thể thu hút được FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và sử dụng nguồn vốn này hiệu quả, cần triển khai các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành/sản phẩm theo hướng gắn kết với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn thời kỳ 2006 – 2010 và những năm tiếp theo. Căn cứ các quy hoạch nói trên các ngành, địa phương cần xây dựng các danh mục dự án đầu tư ưu tiên với thông tin cụ thể về mục tiêu, địa điểm, công suất và đối tác để làm cơ sở cho việc tổ chức các chương trình vận động đầu tư.
Nên đưa các dự án FDI trong nông nghiệp vào diện đặc biệt khuyến khích đầu tư và Nhà nước, áp dụng biện pháp ưu đãi đầu tư qua các hình thức: miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất và các hình thức ưu đãi khác. Tuy nhiên, để thực hiện những cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về chính sách hỗ trợ nông nghiệp thì việc xem xét để chỉnh sửa các quy định về ưu đãi và hỗ trợ các nhà đầu tư FDI trong nông nghiệp cho phù hợp với cam kết là cần thiết.
Cụ thể là: (i) Tiếp tục duy trì và mở rộng các ưu đãi, hỗ trợ hiện hành đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng cần loại bỏ các tiêu chí về khuyến khích xuất khẩu và ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước; (ii) Tiếp tục áp dụng biện pháp ưu đãi thuế thu nhập đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống mới, dự án phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; (iii) Có chính sách trợ cấp cho nông dân và các DN nông nghiệp khi bị tổn thất vì thiên tai, bị rủi ro về biến động giá thị trường nông sản. Trong điều kiện hạn chế về tài chính, cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp nhằm tăng năng lực phòng chống thiên tai, hạn chế rủi ro dịch bệnh, biến động giá nông sản…
Thứ hai, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư nước ngoài theo hướng: (i) nhanh chóng xây dựng kế hoạch và chương trình vận động đầu tư cụ thể ở trong nước và ngoài nước, tập trung vào các ngành/dự án và đối tác đầu tư trọng điểm cần thu hút đầu tư nước ngoài; (ii) bố trí đủ ngân sách cho hoạt động xúc tiến đầu tư như một khoản chi riêng thuộc kinh phí ngân sách chi thường xuyên hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (iii) đổi mới và nâng cao chất lượng các ấn phẩm tuyên truyền đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng nhằm tạo sức hấp dẫn ban đầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nông sản nên theo định hướng sau: (i) Ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn dưới hình thức cho nhà đầu tư FDI vay để xây dựng các hạng kết cấu hạ tầng cứng và mềm cần thiết và sử dụng lâu dài tại vùng nguyên liệu; (ii) Ngân sách nhà nước và các tổ chức dụng triển khai các hình thức tín dụng ưu đãi cho nông dân và DN để đầu tư trực tiếp vào cây trồng để tạo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu kinh doanh có hiệu quả; (iii) Chính quyền tỉnh và các huyện có vùng nguyên liệu của dự án FDI có trách nhiệm bảo vệ và duy trì các vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho dự án FDI để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguyên liệu tập trung cho nhà đầu tư; (iv) Xác định quyền và trách nhiệm cho nhà đầu tư trong việc đưa ra các biện pháp bảo vệ vùng nguyên liệu của họ.
Thứ ba, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho dự án FDI. Hiện nay, nguồn vốn tín dụng cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ các nguồn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng người nghèo, các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia và nguồn của một số ngân hàng cổ phần hoạt động ở nông thôn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân và DN.
Do vậy, cần phát triển mở rộng phần cung của thị trường vốn tín dụng tại các vùng nông nghiệp nói chung và vùng có các dự án FDI nói riêng theo những hướng sau:
(i) Xem xét để xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng có nguồn vốn nhà nước. Theo đó, các dự án FDI trong nông nghiệp cũng là đối tượng được hưởng cả 3 chế độ tín dụng từ Ngân hàng phát triển gồm: vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng. Đồng thời, cần tạo điều kiện về thủ tục để các DN FDI được tiếp cận thuận lợi nguồn tín dụng ưu đãi này;
(ii) Hướng kênh hỗ trợ vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp từ Ngân hàng phát triển để tạo nguồn vốn bổ sung cho các DN FDI đang triển khai một số dự án đầu tư tạo giống, sản xuất sản phẩm xuất khẩu;
(iii) Áp dụng cơ chế bảo lãnh, thế chấp để DN FDI có dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được tiếp cận thuận lợi…
Thứ tư, thực hiện các chính sách về đất đai, mặt nước tạo thuận lợi cho các dự án FDI. Cần mạnh dạn thực hiện các chính sách sau:
(i) Chính quyền địa phương chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư với DN theo quy định của Luật Đất đai hiện hành về các hình thức cho thuê hoặc góp vốn bằng đất để cùng kinh doanh nông nghiệp;
(ii) Ngân sách hoặc các nguồn vay ODA của Việt Nam thực hiện đầu tư giải phóng mặt bằng tại các vùng dự án triển khai;
(iii) Mở rộng và đảm bảo quyền lợi của người nông dân trong việc chuyển giao quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư, đi đôi với đảm bảo khả năng sử dụng đất ổn định theo quy hoạch của nhà đầu tư. Đơn giản hóa thủ tục trong việc xác nhận hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận chuyển giao quyền sử dụng từ nông dân sang nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có tài sản hợp pháp về đất để thế chấp khi cần vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đầu tư theo nhu cầu của dự án…
Thứ năm, nâng cao tính hấp dẫn của nguồn nhân lực trong các dự án FDI trong nông nghiệp. Nhà nước cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhiều mặt cho lực lượng lao động làm việc cho các dự án này.
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn đội ngũ lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cả về kiến thức ngoại ngữ, chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Phát triển hệ thống đào tạo nghề ở nông thôn, hệ thống khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức kinh tế và kiến thức về thị trường cho người lao động tại chỗ, trong đó có lao động làm việc cho FDI.
Theo TCTC