Tình hình kinh doanh ổn định, giá CP chạm đáy, biên độ tăng hấp dẫn. Đây là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đối với nhóm CP nhỏ đang tăng nóng trên TTCK hiện nay.
Theo thống kê, trong 68 mã có mức tăng trưởng từ 10% trở lên trong tháng 10 có đến 61 mã CP có vốn hóa thấp (chiếm xấp xỉ 90%), còn lại 3 mã có vốn hóa trung bình (DIG, BCI, CTD) và 4 mã có vốn hóa lớn (GMD, VNS, KBC, VHG). Đáng chú ý trong nhóm tăng giá nhiều nhất tháng 10 trên 2 sàn, 50% các mã có mức tăng trên 30% là các CP có thị giá 2.000 đồng/CP.
Thậm chí, nhiều mã đang nằm trong diện quản lý đặc biệt cũng nằm trong nhóm tăng “phi mã”. Điển hình là trường hợp của VNI (CTCP Đầu tư bất động sản Việt Nam). Dù mã CP này đang nằm trong diện cảnh báo của HOSE nhưng vẫn có đợt tăng giá lên đến 150% (từ mức 2.000 đồng/CP lên 5.000 đồng/CP).
Khẩu vị của dòng tiền đầu cơ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ sau khi bức tranh lợi nhuận quý III-2013 dần được hé lộ. Theo đó, nhiều CP thị giá thấp và CP thuộc nhóm ngành bất động sản đã dẫn đầu về mức tăng giá trong tháng 10 vừa qua.
VNI là mã tăng giá mạnh nhất trên sàn HOSE trong tháng qua. Nhiều CP thị giá thấp trên sàn HOSE có mức tăng vượt trội trong tháng 10 khác là: KMR (tăng 78%), VNH (tăng 53%), ITD (tăng 55%), TNT (tăng 44%), VOS (tăng 30%), HVX (tăng 29%).
Phía sàn HNX, mã SJM (CTCP Sông Đà 19) có 11 phiên tăng trần liên tiếp trong tháng 10 và HNX đã phải có công văn yêu cầu doanh nghiệp này giải trình về giá CP tăng gấp đôi từ mức 1.200 đồng/CP lên 2.400 đồng/CP trong tháng 10.
Theo ông Bùi Khắc Giang, Tổng giám đốc SJM, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Việc SJM tăng trần liên tục nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Danh sách những mã CP nhỏ có mức tăng mạnh còn có: AMV từ 4.400 đồng/CP lên 8.000 đồng/CP (tăng 82%), SDH tăng từ 2.500 đồng/CP lên 4.300 đồng/CP (tăng 72%), TIG tăng từ 4.000 đồng/CP lên 6.800 đồng/CP (tăng 70%), HBE tăng từ 2.900 đồng/CP lên 4.800 đồng/CP (tăng 66%), PXA tăng từ 900 đồng/CP lên 1.300 đồng/CP (tăng 44%), KSD tăng từ 1.600 đồng/CP lên 2.300 đồng/CP (tăng 44%), SD1 tăng từ 1.600 đồng/CP lên 2.300 đồng/CP (tăng 44%), KHL tăng từ 1.400 đồng/CP lên 2.000 đồng/CP (tăng 43%), SRA tăng từ 2.100 đồng/CP lên 3.000 đồng/CP (tăng 43%), HHL tăng từ 500 đồng/CP lên 700 đồng/CP (tăng 40%).
Nhiều yếu tố hấp dẫn
Điều dễ dàng nhận thấy là hầu hết các mã tăng giá trong thời gian gần đây đều có đặc điểm chung như sau: giá CP giảm giá so với đầu năm hoặc chưa tăng nhiều, thị giá thấp hơn mệnh giá và CP thuộc nhóm ngành đang đối mặt với khó khăn (bất động sản, xây dựng và khai khoáng).
Thông thường nhóm CP này có tính đầu cơ cao nên chỉ phù hợp với NĐT chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, phần lớn những mã này đều đã giảm chạm đáy nên khả năng rớt giá không nhiều. Khi yếu tố giảm được loại trừ thì biên độ tăng của nhóm CP nhỏ được NĐT tính tới.
Có thể lấy dẫn chứng từ mã HHL. Mức giá tham chiếu của mã này là 700 đồng/CP thì biên độ tăng/giảm mỗi phiên sẽ là +100 đồng. Tính ra, biên độ dao động của mã này trong mỗi phiên có thể đạt xấp xỉ 30%. Mức lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn này đủ khả năng kích thích thêm nhiều NĐT không ưa mạo hiểm nhảy vào cuộc chơi.
Ngoài lợi thế về giá, yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của những mã tăng nóng vừa qua chính là triển vọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều mã bất động sản nằm trong nhóm tăng với kỳ vọng của NĐT về việc nới rộng điều kiện của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đang được triển khai.
Hơn hết, với mức giá như hiện nay, việc thâu tóm doanh nghiệp sẽ không tốn quá nhiều chi phí, chỉ cần vài tỷ đồng NĐT có thể nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp. Có thể lấy trường hợp Tập đoàn Viettel thâu tóm CTCP Xi măng Cẩm Phả (XMCP). Với mức giá 1.000 đồng/CP thì Viettel chỉ cần bỏ ra khoảng 140 tỷ đồng đã có thể sở hữu gần 140 triệu CP XMCP (tương đương 70% vốn điều lệ).
Theo Sài Gòn đầu tư