Nhiều NHTM đã trở thành “con tin” của các tập đoàn kinh tế tư nhân

Các quan hệ sở hữu ở nhiều ngân hàng hiện nay đã và đang làm tê liệt hệ thống quản trị rủi ro của các NHTM.

Tham luận tại Hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ năm 2014 – 2015” do NHNN phối hợp với báo Lao Động, tổ chức sáng nay (ngày 18/11/2013), chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Nhìn vào bức tranh kinh tế hiện nay có thể thấy rằng điều quan trọng là quý IV này kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy chưa. Nếu đã qua đáy thì bức tranh kinh tế năm 2014 sẽ sáng sủa hơn.
“Nếu năm nay giải quyết tốt vấn đề nợ xấu thì tăng trưởng tín dụng của năm 2014 có thể sẽ đạt mức 14 – 15%, đầu tư công đạt mức 31% GDP và tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau sẽ cao hơn năm nay” – Ông Nghĩa dự báo.
Tuy nhiên, để phá được “tảng băng” tín dụng ông Nghĩa lưu ý NHNN đang phải đối mặt với một số thách thức khá lớn.
Điển hình là lòng tin trong nền kinh tế hiện xuống mức rất thấp. “Không chỉ người dân mà ngay cả một số lãnh đạo cũng bị sa sút niềm tin vào nền kinh tế hiện nay”.
Riêng vấn đề nợ xấu, nhiều người bày tỏ lo ngại vì vấn đề này chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng ông Nghĩa bày tỏ quan điểm: Có thể nợ xấu được chuyển từ ngân hàng sang cho Công ty mua bán tài sản (VAMC), trường hợp xấu nhất là VAMC chưa bán được số nợ xấu này luôn mà phải “ôm” vài năm… song điều đáng mừng nhất ở đây chính là mối quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng đã được khơi thông.
Đáng chú ý trong bài tham luận của mình, ông Nghĩa một lần nữa đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng lũng đoạn ngân hàng vẫn còn tồn tại khá nhiều hiện nay.
“Hiện vẫn còn nhiều ngân hàng không chỉ ngân hàng thương mại nhỏ mà ngay cả các ngân hàng ‘cỡ trung’ cũng gặp tình trạng tương tự. Chính vì thế mới có tình trạng nhiều NHTM trên thực tế đã trở thành ‘con tin’ của tập đoàn kinh tế tư nhân”.
Theo ông Nghĩa, nếu NHNN không giải quyết dứt điểm, nhanh chóng và quyết liệt vấn đề này thì thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục gặp cú sốc trên con đường phục hồi.
Về cách quản trị theo các chuẩn mực quốc tế, ông Nghĩa cho rằng: Năng lực quản lý hiện tại của các NHTM vẫn còn rất yếu. Các quan hệ sở hữu ở nhiều ngân hàng hiện nay đã và đang làm tê liệt hệ thống quản trị rủi ro của các NHTM.
“Đơn giản vì các ông chủ của các NHTM này đã quyết hết, bộ phận quản lý rủi ro thành thừa. Nếu không cải thiện các quan hệ sở hữu các NHTM của Việt Nam sẽ khó đạt được các chuẩn mực quản trị quốc tế” – Ông Nghĩa nói.
“Phải thừa nhận là có tình trạng cán bộ thanh tra ngân hàng xác định được có sai phạm trong việc chuyển tiền nhưng không dám nói, đó không chỉ là một ‘bi kịch’ của ngành ngân hàng và về lâu dài đó là sự báo động về chuẩn mực đạo đức, tính minh, an toàn trong hệ thống tài chính Việt Nam”.
Ông Nghĩa cảnh báo, các chuẩn mực đạo đức ngân hàng không được chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc thì nợ xấu hiện nay dù có xóa xong thì dăm ba năm sau sẽ lại xuất hiện lại tình trạng nợ xấu. Nền kinh tế lại trong vòng luẩn quẩn “qua điểm đấy rồi lại rơi vào điểm đáy”.

Theo Trí Thức Trẻ