Thị trường chứng khoán sẽ duy trì xu hướng đi lên với độ dốc thoải, dòng tiền phân hóa và tập trung giao dịch ở nhóm các cổ phiếu tầm trung, nhóm cổ phiếu bất động sản, công nghiệp và các cổ phiếu chứng khoán.
Đó là dự báo của Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC.
Theo BVSC, các nhà đầu tư chiến lược sẽ dựa trên sự ổn định của nền kinh tế cải thiện để định hình lại chiến lược đầu tư và luân chuyển dòng vốn. Vì vậy, sẽ khó có sự đột phá mạnh khi các bluechips ổn định không thể mức tăng mạnh.
Tuy nhiên, dòng tiền vẫn trong quá trình tích luỹ và đổ mạnh vào cổ phiếu nóng mang tính đầu cơ, nhóm cổ phiếu hưởng lợi về chính sách nới room, hỗ trợ của nhà nước, hoặc có lợi nhuận đột biến.
Nỗ lực vượt khó
Sự chuyển dịch chuyển tỷ trọng đã diễn ra tại các ngành trên 2 sàn, như: tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp, tài chính, công nghệ, dịch vụ tiêu dùng và dầu khí giảm, bất động sản, thuỷ sản…
Thống kê ở những doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ và vừa thì doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp phi sản xuất có dấu hiệu cải thiện theo xu hướng tăng. Các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, cấu trúc lại tài sản, cơ cấu tài chính, nhờ đó không ít doanh nghiệp đã có được lợi nhuận đột biến, cải thiện được dòng tiền.
Những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng khá tích cực thể hiện đang nỗ lực vượt qua khó khăn. Tất cả các yếu tốt gộp lại, tác động khá tích cực đến thị trường, nếu không nổi sóng trên diện rộng, riêng từng cổ phiếu cũng sẽ có những diễn biến tích cực.
Đối với các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, giai đoạn cuối năm có thể xuất hiện những đợt chi trả hoặc tạm ứng cổ tức và dòng tiền này sẽ được xoay vòng để hỗ trợ cho thị trường. Riêng ngành thực phẩm, giai đoạn cuối năm sẽ gia tăng về mặt doanh thu, thậm chí lợi nhuận, vì đây là tháng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp đến.
Dự báo trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng đột biến về lợi nhuận trong quý IV/2013. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang có sức ép buộc phải có lãi trong cả năm 2013 nhằm tránh rơi vào tình trạng kiểm soát, hoặc phải rời sàn niêm yết.
Nhóm cổ phiếu được nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 60% có quyền phủ quyết ở một số công ty niêm yết, chắc chắn cũng sẽ được lợi lớn.
Ủy ban Chứng khoán đã chính thức trình Dự thảo này lên Thủ tướng Chính phủ chờ phê duyệt thị trường đón nhận nồng nhiệt. Trong đó có những điểm mới như các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn nhà đầu tư nước ngoài thì được mở rộng tối đa, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nắm giữ tối đa 49% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết trong công ty đại chúng, khác so với qui định cũ là 49% trên vốn điều lệ. Còn riêng cổ phiếu không có quyền biểu quyết, nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua tối đa mà không cần biểu quyết.
Sóng từ nới room?
Một điều quan trọng nữa là nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% chứng chỉ quỹ, từ quỹ đóng, đến quỹ mở, quỹ ETF… Trong trường hợp các quỹ có tỉ lệ sở hữu của nước ngoài trên 49% thì được hiểu là nhà đầu tư nước ngoài và phải chịu sự điều chỉnh của luật.
Các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được mua nắm giữ công ty chứng khoán tại Việt Nam đến 100% vốn điều lệ, thay vì quy định hiện nay là tối đa 49% và 100%.
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, điều này được hiểu là tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được mua nắm giữ công ty chứng khoán tại Việt Nam đến 100% vốn điều lệ, nghĩa là được phép sở hữu cả trên 49% và dưới 100% vốn điều lệ.
Theo dự báo của các thành viên thị trường, với tinh thần quyết liệt, nếu được ban hành sớm sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán. Thanh khoản tăng cao, mở ra điều kiện thành lậpz cho các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ mở thu hút dòng vốn nước ngoài thuận lợi hơn, từ đó dễ huy động vốn từ nước ngoài hơn…
Dù đã có những điểm sáng nhất định, song xu hướng phân hóa về lợi nhuận của các doanh nghiệp theo quy mô vốn vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn có lợi nhuận âm, hoặc giảm nên nhà đầu cũng cần cẩn trọng lựa chọn cổ phiếu tốt trên trường. Số lượng doanh nghiệp vẫn đang vật lộn với khó khăn vẫn rất lớn, lãi vay vẫn còn cao, lạm phát và những thách thức cũng là điều phải suy nghĩ.
Trong thời gian chưa có những liều thuốc “cực mạnh”, thị trường vẫn sẽ tiếp tục vận hành theo những yếu tố nội tại như thời gian vừa qua. Thị trường
vẫn phải nhờ vào những vùng đệm, cú hích từ những cổ phiếu lớn với kết quả kinh doanh ấn tượng để có thể đột phá, tạo sóng lớn.
Theo Thời báo kinh doanh