Đối với nhiều người marketing là một món thuộc loại “khó nuốt”. Tôi đã từng gặp nhiều người rất siêng đi học marketing, khóa nào cũng ghi danh đi học, nhưng khi nghe anh ta nói ra vài câu thì mới vở lẽ là anh ta học nhiều thế nhưng không hiểu được bao nhiêu. Vậy nếu bạn học marketing mà cảm thấy “khó nuốt” thì cũng đừng lấy làm buồn lòng, marketing có lẽ không phải là thứ dành cho bạn.
(Ảnh minh họa)
Marketing hình như cũng không thích hợp với các bạn có tư duy kỹ thuật cao, theo đó mọi thứ đều theo công thức có sẵn, mọi việc phải theo đúng trình tự 1,2,3… vì marketing đòi hỏi luôn luôn phải linh hoạt và sáng tạo. Nhưng nếu là người vừa giỏi kỹ thuật lại vừa giỏi marketing thì vô cùng lợi hại, điển hình là Steve Job, một bậc thầy về marketing.
Học marketing để gọi là “biết 4P là gì” thì dễ, nhưng để nắm vững và có thể ứng dụng một cách biến hóa thì rất khó. Khó vì marketing là một môn còn tương đối mới ngay cả đối với cả nước Việt Nam mình, một quốc gia đang ở giai đoạn đầu hội nhập với thế giới và đang từng bước rủ bỏ cái gốc kinh tế kế hoạch nơi mà hoạt động của doanh nghiệp được phân bổ từ trên xuống và thu nhập thì cũng được điều hòa, để làm quen với kinh tế thị trường nơi mà hoạt động của doanh nghiệp là theo tình hình thị trường và lợi nhuận thì phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh.
Một minh chứng cho tình trạng đang chuyển tiếp giữa hai môi trường kinh tế là hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp xem đầu tư vào các mối quan hệ quan trọng hơn đầu tư vào R&D và kỹ năng con người.
youngshopownerCái khó thứ hai là vì marketing là một kỹ năng kinh doanh có nhiều concept mà người học muốn tiếp thu được thì phải ở trong môi trường kinh doanh.
Như vậy, các bạn có truyền thống gia đình kinh doanh, buôn bán thì khi học marketing có lẽ dễ tiếp thu hơn các bạn xuất thân vùng nông thôn, chỉ quen sản xuất nông nghiệp.
Lời khuyên số 1: Để học marketing hiệu quả, bạn nên tìm cách dự phần, tham gia vào môi trường kinh doanh. Bằng cách ngoài giờ học, bạn có thể phụ cha mẹ bán hàng, tình nguyện đến giúp họ hàng những người có cơ sở kinh doanh, hoặc xin đi làm thêm tại các cơ sở buôn bán, kinh doanh, hoặc tự mình tổ chức kinh doanh nhỏ.
Bằng cách đó trong quá trình học khi tiếp xúc với những concept mới về kinh doanh, marketing hoặc thương hiệu… bạn có thể chiêm nghiệm, liên tưởng đến hoạt động kinh doanh mà bạn đang tham gia và sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn những người không tham gia hoạt động kinh doanh.
_________________________________________________________
Học lý thuyết cơ bản cộng với một ít trãi nghiệm kinh doanh thôi có lẽ cũng chưa ăn thua, vì lý thuyết marketing là sự tập hợp của nhiều hệ thống lý luận và nghiên cứu khoa học khác nhau, là sự đúc kết những tinh hoa của nền kinh tế thị trường, người ta liên tục khám phá thêm những điều mới và bổ sung theo thời gian. Như vậy học marketing là một sự nghiệp cả đời chứ không có điểm dừng.
Học marketing không chỉ để biết lý thuyết mà để làm marketing (ứng dụng vào thực tế). Để làm marketing hiệu quả, người làm marketing phải hiểu sự vận hành của một doanh nghiệp. Bao gồm toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp (gọi là chuỗi giá trị của doanh nghiệp), từ sản xuất đến phân phối, quảng bá, bán hàng, thương hiệu, chiến lược, tài chính, CNTT, R&D… và quan trọng là hiểu cách mà doanh nghiệp đó làm ra lợi nhuận.
Bên cạnh đó, người làm marketing phải thật am hiểu đối tượng mà doanh nghiệp đó phục vụ, tức là người trả tiền cho doanh nghiệp. Hiểu họ là ai, thu nhập bao nhiêu, chi tiêu thế nào, họ muốn gì, họ yêu gì, ghét gì, thói quen mua sắm và tìm kiếm thông tin của họ là gì, cộng đồng họ giao du, nơi họ hay lui tới … nhằm để có thể phục vụ họ tốt hơn.
Không chỉ thế, người làm marketing phải am hiểu sâu sắc tất cả những người tham gia trong việc phân phối và bán lẻ hàng hóa. Bất kỳ ai có dự phần trong việc đưa sản phẩm, dịch vụ đến với người mua/người tiêu dùng là đều phải được quan tâm.
Và trên đây là chúng ta mới chỉ nói đến những yếu tố có liên quan trực tiếp và những yếu tố nội bộ, thế còn những yếu tố gián tiếp và bên ngoài là gì? Xin thưa, cũng không kém phức tạp: đó là những yếu tố tác động từ môi trường vĩ mô (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, công nghệ, môi trường), những tác lực của môi trường vi mô (đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp, sản phẩm thay thế, các tổ chức ảnh hưởng…).v.v.
Như vậy để trở thành một marketing guru rõ ràng là một việc không phải dễ, nó đòi hỏi rất nhiều đam mê và nỗ lực để nghiên cứu học hỏi.
Lời khuyên số 2: Hàng ngày dành một thời lượng trong quỹ thời gian của bạn để cập nhật kiến thức: đọc báo, tạp chí, thông tin về kinh tế, xã hội, chính trị, luật pháp, công nghệ, môi trường, văn hóa… nói chung là kiến thức tổng quát.
Đọc các thông tin về doanh nghiệp, doanh nhân và suy ngẫm, phân tích để cố giải đáp cái hay, cái dở, cái đúng cái sai trong những việc họ làm. Đặc biệt tôi khuyên các bạn nên nghiên cứu các động thái của các doanh nghiệp (quảng cáo, sự kiện, tung sản phẩm mới, các nội dung pr, các chương trình khuyến mãi…) và tự đặt câu hỏi cho mình: tại sao họ làm thế? tại sao họ không làm như mình nghĩ? tại sao họ quảng cáo như thế? tại sao họ làm roadshow nơi nầy mà không làm nơi khác? tại sao họ khuyến mãi vào lúc nầy và chỉ dành cho mặt hàng nọ? tại sao và tại sao?
Và để làm được như trên có nghĩa là bạn phải hy sinh bớt thời gian xem phim, chơi game, tán gẫu, đọc những truyện giải trí vô bổ và lướt web chít chát!
________________________________________________________
Thực tế đã chứng minh, không có áp lực thì mọi thứ sẽ vẫn mãi như thế và ngày càng tệ hơn. Học mà không có áp lực thì khó mà tiến bộ. Với những nội dung học ở trong trường lớp thì điểm kiểm tra, xếp hạng, kết quả thi chính là áp lực giúp bạn học tốt hơn, thế còn những điều không học ở trong trường lớp (rất nhiều) thì sao?
Lời khuyên số 3: Để cho việc học hỏi, nắm bắt kỹ năng marketing của bạn được thuận lợi hơn, tiến bộ nhanh hơn, bạn cần hai điều:
1) Tạo áp lực cho việc nắm bắt các kỹ năng marketing.
Bạn cần chủ động tạo ra áp lực bằng cách xung phong, tình nguyện tham gia vào một dự án nào đó (lợi nhuận hoạc phi lợi nhuận) để được giao trách nhiệm, được người khác đôn đốc, đánh giá kết quả công việc của mình, từ đó rút kinh nghiệm để lần sau thực hiện tốt hơn.
Chẳng hạn, nếu bạn thấy cần phải nâng cao kỹ năng nghiên cứu và phân tích thị trường thì việc tham gia vào các dự án nghiên cứu thị trường là một điểm nên làm. Tuy nhiên, hoạt động nầy chỉ mới giúp bạn về kỹ năng nghiên cứu thị trường, bạn cần tham gia vào các hoạt động khác để học hỏi và trãi nghiệm các kỹ năng khác nữa.
Sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn có thể tự tạo ra áp lực cho chính mình, bằng cách tự mình hoạch định và thực hiện một dự án, mà qua đó muốn thành công thì bạn buộc phải học hỏi, nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu công việc cho kịp thời gian.
2) Tầm sư học đạo.
Học marketing cũng như học bất kỳ một kỹ năng nào khác, bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn nếu có một người đóng vai trainer (người dạy), coach (người huấn luyện, kèm cặp) hoặc mentor (người chỉ dẫn, sư phụ) giúp bạn. Mentor là người có trình độ cao hơn, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Mentor là người có thể đánh giá trình độ từ đó đưa ra định hướng và lộ trình phù hợp cho bạn, dạy, giải thích cho bạn những điều bạn chưa hiểu, uống nắn những cái sai lệch, đưa ra lời khuyên giúp bạn vượt qua những khó khăn trở ngại, và đánh giá tiến bộ, hiệu quả của bản thân của bạn.
Có được một mentor giỏi, tận tụy truyền nghề và rất nghiêm khắc với bạn, là một duyên may mà không phải ai cũng may mắn gặp được trong đời mình. Một mentor giỏi thường tạo ra sự khác biệt.
_______________________________________________________
Như đã trình bày ở trên, học marketing không chỉ là học… marketing, vì muốn thông thạo marketing và để có thể áp dụng một cách biến hóa bạn còn phải nghiên cứu rất nhiều kiến thức khác như quản trị doanh nghiệp, truyền thông, tâm lý học, chiến lược, quản lý dự án, làm việc nhóm… (xem kỹ năng marketing). Vậy nhiều như thế thì biết học cái gì trước, học cái gì sau cho dễ tiếp thu, dễ nhớ?
Lời khuyên số 4: Để dễ nhớ, dễ tiếp thu bạn nên học từng bước, bắt đầu học từ tổng quan rồi đến chi tiết, học từ khái niệm cơ bản rồi đến học các kỹ năng marketing nâng cao và các kỹ năng mở rộng, rồi cuối cùng là học chiến lược.
Tại sao nên bắt đầu bằng học tổng quan? Vì marketing có nhiều khái niệm nền tảng mới, và nếu không hiểu những khái niệm nền tảng nầy trước, thì sẽ khó tiếp thu khi học các kỹ năng.
Theo kinh nghiệm bản thân, nếu là lần đầu tiên đọc một cuốn sách về marketing, bạn không nên đặt yêu cầu là đọc đến đâu phải hiểu cặn kẻ đến đấy. Mà hãy cứ đọc qua, cái gì hiểu được ngay thì tốt, còn cái gì chưa hiểu thì cứ tạm để đấy và đọc tiếp. Vì sẽ có nhiều khái niệm mà khi tiếp xúc lần đầu bạn chưa hiểu được nó là gì, nhưng khi gặp lại lần hai, lần ba trong các ngữ cảnh khác nhau bạn sẽ dần hiểu ra.
Sau khi đọc hết cuốn sách lần đầu, có thể bạn chỉ hiểu được khoảng chừng 50% nội dung. Đấy là điều bình thường. Hãy kiên nhẫn đọc lại lần thứ hai và lần nầy bạn nên đọc kỹ, đọc chậm lại. Những kiến thức tổng quan mới mà bạn đã tiếp thu được sau khi đọc qua lần đầu, sẽ giúp bạn hiểu nội dung tốt hơn, trọn vẹn hơn. Hãy cố gắng đọc tiếp lần thứ ba nếu cần. Sau khi đã cố gắng mà bạn vẫn thấy có một vài khái niệm bạn chưa hiểu, thì lúc nầy hãy nhờ ông Google giải thích hộ nó là cái gì.
Phương pháp trên cũng có thể được áp dụng cho việc học tại các lớp kỹ năng, nghĩa là học tổng quan để hiểu các khái niệm, nắm được bức tranh chung, trước khi học chuyên sâu tại các khóa kỹ năng nâng cao.
Ngay khi bạn học các kỹ năng nâng cao, bạn sẽ nhận ra rằng để có thể làm marketing hiệu quả hơn, bạn cần phải mở rộng kiến thức sang những kỹ năng có liên quan. Chẳng hạn như khi bạn học kỹ năng truyền thông marketing nâng cao, bạn sẽ nhận ra rằng nếu bạn có kiến thức về tâm lý học thì bạn sẽ có thể chuyển tải các thông điệp truyền thông một cách mạnh mẻ hơn, truyền cảm hơn, và do vậy sẽ thuyết phục hơn. Và nếu bạn có kiến thức tốt về media, thì các chiến dịch truyền thông của bạn sẽ hiệu quả hơn về mặt tài chính.
Cuối cùng, sau một thời gian đảm nhiệm một trong các công việc tác chiến (execution) của marketing như: phát tờ rơi, phỏng vấn viên, PG, thiết kế ad, sáng tạo, phụ trách kênh, làm POSM, nhân viên tổ chức sự kiện v.v. bạn sẽ muốn nắm một vị trí focal point như brand manager, trưởng ngành hàng, hoặc trở thành một nhạc trưởng như Marketing Manager. Và nếu đấy là mục tiêu sự nghiệp của bạn thì bạn cần trang bị cho mình một nền tảng kiến thức sâu hơn về chiến lược.
Theo marketinchienluoc