An toàn là “bạn” thương hiệu

Đối với các công ty niêm yết trên các sàn chứng khoán quốc tế, sự minh bạch và một hồ sơ “sạch” là vấn đề đáng quan tâm hơn con số doanh thu, lợi nhuận trước mắt. Đó là lý do các công ty quốc tế luôn quan tâm đến an toàn lao động.
(Ảnh minh họa)
Năm 2013, một hội thảo về an toàn lao động trong xây dựng đã đưa ra con số đáng giật mình: trong số các rủi ro, tai nạn lao động thì ngành xây dựng chiếm tỷ lệ trên 30%; 55% trong số đó là do ngã cao, 24% gặp các vấn đề về điện và 10% do sập đổ các thiết bị trên công trình.
Sự thiếu chặt chẽ của đơn vị giám sát thi công, sự lơ là của nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư và tâm lý chủ quan, ngại tham gia các khóa huấn luyện về an toàn lao động của công nhân được xem là nguyên nhân dẫn đến những rủi ro đáng tiếc cho người lao động.
Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy ở những công trình quy mô nhỏ. Nhưng với những doanh nghiệp có tầm quốc tế thì mọi chuyện lại khác!
Khi dẫn chúng tôi đi tham quan trung tâm huấn luyện an toàn lao động, đặt tại dự án Riviera Point (Q.7), ông Đoàn Anh Hùng, Giám đốc Điều hành Công ty Keppel Land tại Việt Nam, cho biết, ngay từ khi triển khai dự án Riviera Point, Keppel Land đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây dựng trung tâm.
Trong năm đầu tiên, nhân sự từ Singapore đã sang huấn luyện và chuyển giao công nghệ cho nhân sự Việt Nam làm việc tại trung tâm. Do là tập đoàn có sự tham gia của Chính phủ Singapore nên mọi tiêu chuẩn về an toàn lao động đều phải được chú trọng.
Bất kỳ sự cố nào trong quá trình thi công đều ảnh hưởng đến hình ảnh của tập đoàn, đồng thời, những nhân sự quản lý người Singapore phụ trách tại thị trường đó trước hết sẽ bị cắt các khoản phụ cấp, thậm chí là lương.
Cũng theo ông Hùng, trung tâm này từ khi đi vào hoạt động đã huấn luyện hàng nghìn người làm việc trong ngành xây dựng. Công nhân trước khi ra làm việc thực tế trên công trường đều phải trải qua khóa huấn luyện 3-4 ngày về cách bảo vệ khi làm việc trong môi trường có độ ẩm cao, khi hàn, cắt; những dụng cụ nên và không nên dùng trong các công đoạn xây dựng, thi công ở tầng hầm phải ra sao…
Ngoài ra, định kỳ mỗi tháng, đơn vị giám sát và cán bộ của chủ đầu tư, nhà thầu sẽ có đợt kiểm tra thiết bị lẫn sự tuân thủ của công nhân về vấn đề an toàn lao động…
Trong khi đó, với vai trò là nhà đầu tư tài chính, những công ty lớn như IFC (Công ty Tài chính Quốc tế, một thành viên của Ngân hàng Thế giới), cũng xem xét kỹ lưỡng khía cạnh này.
Chia sẻ với báo giới bên lề buổi lễ trao sổ cổ đông cho 6 nhà đầu tư mới tham gia vào Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG), Tổng giám đốc Nguyễn Vĩnh Trân cho biết, để có được sự hỗ trợ của IFC, Công ty đã mất hai năm để hai bên tiếp cận, tìm hiểu nhau.
IFC đã gửi đội ngũ sang Việt Nam hơn 2 tuần lễ, đến từng dự án của Nam Long để xem xét tiến độ triển khai, hỏi từng người dân bị giải tỏa trong vùng dự án xem điều kiện tái định cư có đảm bảo, thiết kế của chung cư có thân thiện với môi trường hay không, an toàn lao động ra sao, công nhân thi công có đồ bảo hộ không…
Sở dĩ, các nhà phát triển dự án hoặc các nhà đầu tư có tên tuổi quốc tế rất chú trọng vấn đề an toàn lao động là vì nếu để xảy ra sơ suất, uy tín và thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hơn nữa, họ không chỉ đầu tư trong phạm vi hẹp của một quốc gia mà hoạt động ở nhiều thị trường khác. Đối với các công ty niêm yết trên các sàn chứng khoán quốc tế, sự minh bạch và một hồ sơ “sạch” là vấn đề đáng quan tâm hơn con số doanh thu, lợi nhuận trước mắt.

Theo DNSG