Rất nhiều người cả đời sống trong chế độ Sẵn sàng, thay vì Sẵn sàng – Chạy! Đứng trước mỗi khó khăn, thử thách, bạn phải học cách loại bỏ sự do dự để ra quyết định mẽ. Hãy nhớ rằng, những phần thưởng lớn trong cuộc đời chỉ xuất hiện khi bạn bắt tay vào hành động.
Ảnh minh họa
Thông thường, việc thiếu động cơ chính là nguyên nhân gây ra sự trì trệ trong bạn. Rõ ràng, gác công việc lại dễ dàng hơn việc hành động quyết đoán ngay hôm nay. Nhận thức được mình đang trượt dốc về phía trì trệ là một việc quan trọng. Khi bạn biết được điều đó, hãy tự vấn bản thân và tập trung tìm ra giải pháp hiệu quả.
Có hai cách để thúc đẩy bản thân: Cảm giác sợ hãi những hậu quả xảy đến nếu như bạn không hành động; hoặc cảm thấy phấn khích khi nghĩ đến những phần thưởng và lợi ích bạn có thể nhận được nếu chủ động tiến lên.
Bạn cần phải đặt hai bức tranh ở ngay trước mặt, một bức là tích cực và bức kia là tiêu cực. Hãy tự hỏi: “Tôi thật sự mong muốn điều gì? – một tương lai mà ở đó tôi luôn phải đấu tranh để hoàn tất mọi việc ở những phút cuối cùng, hay một đời sống phong phú, vui vẻ và đầy đủ?”. Hai bức tranh đó càng sống động và sắc nét bao nhiêu, bạn sẽ càng trở nên quyết đoán hơn bấy nhiêu.
Đừng cho phép bản thân sa vào cảm giác sai lầm về sự an toàn. Khi bạn nghe thấy những lời thủ thỉ tiêu cực trong đầu: “Hãy để nó cho ngày mai, đến tuần sau, tháng sau hay năm sau”, ngay lập tức hãy tưởng tượng đến hai bức tranh trên. Bức tranh đó sẽ thế nào nếu bạn không bắt tay vào thực hiện? Bạn có muốn một ngày nào đó phải nhìn lại cuộc đời mình với cả một danh sách Giá như dài ngoẵng hay không? Hãy hiểu rõ điều này và cảm nhận nỗi đau của sự hối tiếc.
Bây giờ, hãy tưởng tượng ra bức tranh còn lại. Lần này, hãy nhìn vào tất cả những phần thưởng và những lợi ích mà bạn sẽ có được nếu bạn hành động và không lùi bước. Hãy chiêm ngưỡng bức tranh. In sâu nó vào trong tâm trí bạn. Hãy cảm nhận cảm giác chiến thắng. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc khi thử thách bản thân ở một mức độ cao hơn.
Cho dù bạn đang làm việc trong một dự án nhỏ hay một mục tiêu lớn, hãy gắn mình vào nó cho đến khi nó hoàn thành. Hãy chắc chắn rằng bạn không phải là một kẻ khó chịu luôn mang trên mình một tấm biển Không hoàn thành. Jim Rohn đã nói: “Sự khó chịu khi phải tuân thủ các quy tắc chỉ nặng vài kg, trong khi nỗi đau khi phải hối tiếc nặng cả nghìn tấn”.
Chìa khóa cho vấn đề
Ra quyết định là một nửa của cuộc chiến. Những người có tính trì trệ kinh niên luôn sống một cuộc đời đầy bất mãn bởi họ không quyết định đi lên. Sau một thời gian, việc ngồi mãi bên hàng rào chắn sẽ trở nên vô cùng khó chịu. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị mắc vào đó mãi, không bao giờ ra được.
Công thức cho việc chủ động ra quyết định được gọi là Chìa khóa cho vấn đề. Nó bao gồm 10 bước hành động giúp bạn giải quyết bất kỳ khó khăn hay thử thách nào. Để có kết quả tốt nhất, bạn cần thực hành tất cả các mục. Hãy sử dụng nó thường xuyên và sự quyết đoán của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều khi bạn làm được điều đó:
1. Thử thách của tôi là gì? Hãy xác định chính xác hoàn cảnh của bạn. Hãy viết rõ ràng, ngắn gọn và cụ thể.
2. Hãy quyết định đối mặt với vấn đề và giải quyết nó. Quyết định đi xuyên qua nỗi sợ là bước đi quan trọng để tiến về phía trước. Vì sức khỏe và sự yên bình, hãy quyết định ngay bây giờ.
3. Kết quả mà tôi mong muốn là gì? Tiếp theo, hãy xác định rõ kết quả mà bạn mong muốn. Tưởng tượng đến kết cục của sự việc và mô tả những lợi ích cơ bản mà bạn sẽ có được khi giải quyết xong vấn đề.
4. Hãy miêu tả những gì bạn cảm nhận khi vấn đề được giải quyết chỉ trong một từ.
5. Bạn cần những thông tin gì để hỗ trợ mình trong trường hợp này? Hãy học hỏi nhiều hơn bằng cách đọc sách, nghiên cứu các văn bản, hợp đồng cũ.
6. Tôi có thể tự mình làm điều gì?
7. Có ai khác có thể giúp tôi?
8. Bây giờ, các bước hành động cụ thể mà tôi phải thực hiện là gì? Đây là kế hoạch cho cuộc chơi của bạn. Hãy suy nghĩ từng bước đi cho tới khi nó kết thúc.
9. Khi nào tôi sẽ kết thúc công việc còn dang dở này? Hãy bắt đầu! Hãy nhớ rằng sự bình yên trong tâm hồn chính là mặt sau của nỗi sợ.
10. Xem lại kết quả của bạn và cùng ăn mừng nào!
Theo “Sức mạnh của tập trung”/DNSG