Những điều cần lưu ý về thế chấp “nhà ở tương lai”

Thông tư số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT được ban hành nhằm hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của cá nhân, tổ chức để vay vốn tại tổ chức tín dụng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Ảnh minh họa
Nghị định số 71/2010/NĐ-CP cho phép tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được quyền thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng để vay vốn.
Tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quyền thế chấp để vay vốn mua chính nhà ở đó hoặc nhà ở khác của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Nhà ở hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp được hiểu là nhà ở được tổ chức, cá nhân mua của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tại thời điểm xác lập hợp đồng thế chấp nhà ở đó đang trong quá trình đầu tư xây dựng theo hồ sơ thiết kế được duyệt và Giấy phép xây dựng (nếu có) hoặc đã hoàn thành việc xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nhà ở hình thành trong tương lai bán cho tổ chức, cá nhân được dùng để thế chấp vay vốn tại tổ chức tín dụng cần lưu ý những điểm sau:
Nếu dự án đầu tư xây dựng nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ dân sự khác thì doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện thủ tục thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp) trước khi bán nhà ở trong dự án đó cho tổ chức, cá nhân khi họ có nhu cầu thế chấp.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nhà ở hình thành trong tương lai bán cho tổ chức, cá nhân dùng để thế chấp vay vốn tại tổ chức tín dụng có quyền từ chối cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hồ sơ nhà ở thế chấp không đúng quy định của Thông tư số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT; Yêu cầu tổ chức, cá nhân thế chấp phải thanh toán tiền đầy đủ như thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán nhà ở.
Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nghĩa vụ tạo điều kiện, cung cấp đủ hồ sơ pháp lý của nhà ở thế chấp để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận; Thông báo đến hai bên thế chấp và bên nhận thế chấp biết tiến độ thanh toán tiền mua nhà ở, tiến độ xây dựng và hoàn thành việc xây dựng nhà ở; Phối hợp với bên nhận thế chấp giải ngân vốn vay theo quy định pháp luật, đề nghị xóa đăng ký thế chấp và xử lý tài sản thế chấp.

Theo Công ty Luật PLF/DNSG