Năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực đang thua kém. Trong bối cảnh đó, Maersk Line nhận thấy việc tập trung cải thiện năng suất sản xuất thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin đem lại kết quả khả quan.
Ảnh minh họa
Với nền thương mại đang phát triển đúng hướng, Việt Nam tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới và cơ hội xuất khẩu hàng hóa thông qua một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu, và tham gia Liên minh Hải quan của Nga, Kazakhstan và khu thương mại tự do Belarus.
Trong quá trình đàm phán, Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo được sức hút đầu tư với các lợi thế sẵn có như: vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện, năng suất sản xuất ngày một tăng…, và trên hết là chi phí lao động và sản xuất cạnh tranh nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng dài hạn, lợi thế này cũng gặp phải nhiều thách thức và Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt những hạn chế và trở ngại về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang suy giảm so với các nước trong khu vực.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay dự báo đạt 5,5%, thấp hơn so với Philippines, Campuchia, Lào và Myanmar. Trong khi đó, chi phí hậu cần của Việt Nam lại chiếm tới 25% GDP, cao hơn so với hầu hết các nước khác trong khu vực, ước tính các công ty vận tải ở Việt Nam chi khoảng 100 triệu đô la Mỹ/năm cho các khoản phí liên quan đến việc chậm thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Dự báo đến năm 2020, khoản chi này có thể lên đến 180 triệu đô la Mỹ/năm.
Tuy cán cân thương mại của Việt Nam hiện nay là xuất siêu nhưng hàng hóa xuất khẩu đa phần là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, đòi hỏi nhiều nhân công lao động tham gia sản xuất thay vì sử dụng kỹ thuật và công nghệ. Thêm vào đó, tình trạng thiếu hụt các ngành công nghiệp phụ trợ khiến nhà sản xuất phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này dẫn đến việc nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương bởi biến động giá cả và những tác động ngoại biên khác.
Dù Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ nguồn lao động trẻ và có lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động, nhưng quan trọng nhất vẫn là tăng hiệu suất lao động để thuyết phục thêm nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam. Và một trong những giải pháp để cải thiện năng suất đó chính là thương mại điện tử.
Giải pháp điện tử có thể giảm thiểu những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp đang đối đầu trong việc cải thiện năng suất. Các hệ thống và giao dịch tự động là chìa khóa để nâng cao năng suất, tính chính xác, tính minh bạch của dữ liệu và giảm thiểu chi phí. Cụ thể tại Việt Nam, qua cuộc khảo sát khách hàng, Maersk Line đã thu nhận kết quả: cứ trong một nhóm 10 khách hàng được hỏi thì có 7 trả lời thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh của họ.
Báo cáo Thương mại Điện tử 2013 của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin cũng đưa ra kết quả tương tự như khảo sát của Maersk Line. Báo cáo cho thấy ngành thương mại điện tử của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ: 100% doanh nghiệp đều sử dụng internet và thư điện tử trong công việc, 65% doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách thương mại điện tử.
Tỷ lệ sử dụng internet của người Việt Nam tương đối cao, đặc biệt ở khu vực thành thị. Trong số 90 triệu người dân Việt Nam thì có tới 36% sử dụng internet và 32% sống ở các khu vực thành thị. Phải chăng thương mại điện tử và tự động hóa đang nhanh chóng trở thành lực đẩy tăng trưởng mới bằng cách tác động tích cực đến năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp?
Giải pháp điện tử giúp tiết kiệm thời gian làm việc, giảm bớt sai sót và giảm thiểu hoặc thậm chí là cắt bỏ được chi phí phát sinh do những sai sót trong chứng từ. Dịch vụ đồng nhất và các quy trình minh bạch, rõ ràng từ thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà xuất nhập khẩu.
Việt Nam đang nỗ lực cạnh tranh trong nền kinh tế thương mại toàn cầu. Trong đó, việc tăng cường giá trị gia tăng của hàng hóa, tập trung sản xuất “just-in-time”, tốc độ giao dịch cũng như độ tin cậy của dịch vụ sẽ là chìa khóa của thành công.
Khảo sát cũng cho thấy, 85% khách hàng của Maersk Line Việt Nam đã và đang sử dụng dịch vụ đặt chỗ trực tuyến. Hiện 60% khách hàng của Maersk Line nhận được xác định đặt chồ trong vòng 10 phút. Như vậy, đặt chỗ trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu công việc theo dõi như gọi điện thoại hay gửi email, nhờ vậy năng suất làm việc được cải thiện.
Hiện nay có rất nhiều dịch vụ trực tuyến dành cho ngành vận tải biển như: đặt chỗ trực tuyến (e-booking), nộp chứng từ trực tuyến (e-documentation) và nhiều giao dịch trực tuyến khác… giúp doanh nghiệp tăng năng suất và tiết kiệm chi phí, giúp thu hút đầu tư.
Theo NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH – Tổng giám đốc Maersk Line Vietnam – Campuchia/DNSG