Nhận dạng “người tài” khi tuyển dụng

Đối với một nhà tuyển dụng, tìm được một nhân viên có năng lực, thích hợp với môi trường làm việc của mình là một việc không dễ dàng và phải mất khá nhiều thời gian. 

Ảnh minh họa

Đầu tiên, bạn phải bắt đầu từ bước viết lời quảng cáo tìm nhân sự sao cho thật hấp dẫn và thu hút được sự chú ý của nhiều đối tượng, đặc biệt là những người có năng lực nổi trội nhưng chưa có nhu cầu tìm việc cấp thiết. Bước tiếp theo, bạn phải sắp xếp thời gian để tiếp xúc phỏng vấn từng ứng viên một theo đúng lịch trình dự định. Tuy nhiên, tuân theo đúng nguyên tắc và trình tự tuyển dụng không có nghĩa là bạn sẽ tìm ra chính xác người đồng nghiệp mới của mình. Vì thế, 5 cách sau đây có thể sẽ giúp người đảm nhận công việc tuyển nhân viên mới như bạn “lôi kéo” được người tài về với công ty. 
1. Khi xem xét hồ sơ xin việc, bạn nhớ chú ý đến các quãng thời gian làm việc trước đây của ứng viên. Đừng vội đánh đồng độ dày kinh nghiệm làm việc với năng lực. Nếu một ứng viên đã từng trải qua nhiều vị trí ở nhiều công ty khác nhau, nhưng thời hạn mỗi nơi không quá một năm, đấy là dấu hiệu cho thấy ứng viên này thiếu sự tận tâm với công việc. 
2. Bạn cũng cần lưu ý nếu quãng thời gian nhàn rỗi giữa hai vị trí của ứng viên quá dài. Thời hạn thất nghiệp quá lâu chứng tỏ có điều gì bất ổn từ khả năng làm việc của ứng viên. 
3. Xem các quãng thời gian làm việc của ứng viên ở các vị trí có bị chồng chéo lên nhau hay bất hợp lý hay không? Nếu có, có thể ứng viên đã thiếu trung thực hoặc họ có sự nhầm lẫn ở đây. Bạn có thể yêu cầu lời giải thích và gọi điện thẩm định thông tin từ những người quản lý trước đây của ứng viên đó.
4. Luôn để sẵn một bảng mô tả công việc bên cạnh trong lúc xem xét đánh giá các hồ sơ xin việc. So sánh các kỹ năng của ứng viên với các yêu cầu đặt ra cho vị trí mà công ty bạn đang tuyển dụng. 
5. Phân loại hồ sơ xin việc ra làm hai, một dành cho những người giỏi và một là những người làm được việc. Đầu tiên, bạn hãy gọi điện đến những ứng viên nằm trong danh sách số một và bạn cần nhớ chú ý đến biểu hiện ứng xử của họ, điều đó rất có ích cho việc cân nhắc đưa ra kết luận tuyển dụng cuối cùng. Ví dụ, nếu công ty bạn đang cần một tiếp tân, bạn có thể đánh giá sự nhiệt tình và khả năng đối đáp của ứng viên trong lúc trả lời điện thọai của bạn. Một khi, bạn cảm thấy cách giao tiếp của ứng viên có vẻ thiếu thiện cảm và thuyết phục thì chắc chắn khách hàng khi liên lạc với công ty bạn cũng sẽ có cảm giác tương tự. 
Đây có thể chưa phải là những phương pháp hữu hiệu 100% giúp nhà tuyển dụng nhận ra người tài trong khi phỏng vấn. Tuy nhiên, với 5 cách rất đơn giản và dễ thực hiện này, khả năng bạn phát hiện ra nhân viên thích hợp với công ty sẽ thêm phần chắc chắn và dễ dàng hơn.