Những điều nên và không nên hỏi trong phỏng vấn tuyển dụng

Những người phỏng vấn cần phải đặt câu hỏi để biết được ứng viên có khả năng làm tốt công việc hay không, có thể làm việc dưới áp lực và hòa nhập được với nhóm làm việc mới hay môi trường mới không.

Ảnh minh họa


1. Nên hỏi: “Bạn đam mê nhất lĩnh vực nào?”
Đây là một câu hỏi có khuynh hướng làm cho ứng viên khó có thể che đậy sự thật về bản thân. Nếu câu trả lời rụt rè hoặc không nhiệt tình thì có thể không cần quan tâm đến ứng viên đó nữa.
Ngược lại, nếu ứng viên trình bày một cách thuyết phục về những điều mà người ấy quan tâm và tạo được hứng thú cho người phỏng vấn thì có khả năng đó là người thông minh, có niềm đam mê, có động cơ làm việc rõ ràng – một mẫu người mà doanh nghiệp nào cũng cần.

2. Không nên hỏi: “Cha mẹ bạn có khỏe không?”
Không nên đặt ra những câu hỏi nhằm khai thác những thông tin mang tính cá nhân về tình trạng sức khỏe, sắc tộc, gia đình trong phỏng vấn vì người phỏng vấn có thể bị cho là phân biệt đối xử hoặc áp đặt thành kiến chủ quan.
3. Nên hỏi: “Bạn nghĩ rằng điểm yếu nào của mình ảnh hưởng nhiều nhất đến sự thành công trong nghề nghiệp của bản thân?”
Thông thường, những gì mà ứng viên nghĩ về năng lực của họ sẽ được phản ánh phần nào qua câu trả lời, ví dụ người chậm chạp sẽ có khuynh hướng không thực hiện các công việc được giao đúng hạn. Nếu ứng viên biết tự nhận ra điểm yếu của mình thì các sếp mới có khả năng giúp họ khắc phục nó.
4. Không nên nói: “Tôi đoán rằng bạn là một người khiêu vũ rất giỏi”
Đưa ra một nhận định chủ quan theo kiểu “Trông mặt mà bắt hình dong” là một sai lầm trong phỏng vấn khi tuyển dụng.
Chỉ nên đặt ra những câu hỏi dựa trên phản hồi rõ ràng từ ứng viên. Đừng cố gắng tỏ ra là một người dí dỏm và hài hước lúc này.
5. Nên hỏi: “Bạn có thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện trong cộng đồng?”
Khi tham gia hoạt động xã hội thường xuyên, người ta thường có thể chất khỏe mạnh, có khả năng làm việc độc lập và đáng tin cậy. Tuy nhiên, nên tránh hỏi quá sâu, quá cụ thể vào các tổ chức, đoàn thể mà ứng viên từng tham gia, mà quan trọng là biết được ứng viên đã tham gia vào những hoạt động cụ thể gì.
6. Không nên hỏi: “Bạn có nghĩ rằng mình sẽ có thể theo kịp các nhân viên trẻ hơn?”
Phân biệt tuổi tác là điều tối kỵ trong phỏng vấn tuyển dụng. Hãy đánh giá ứng viên dựa trên những thành tích làm việc của họ trong quá khứ và những năng lực được thể hiện qua chứng cứ rõ ràng. Cũng nên tham chiếu thông tin do ứng viên cung cấp với nơi họ đã từng làm việc.
7. Nên hỏi: “Hãy mô tả một tình huống mà bạn đã phải làm việc với một người khó tính”
Câu hỏi này rất có ích để tìm hiểu cách ứng xử và tính cách của ứng viên. Nên tiếp tục bằng một câu hỏi về kết quả mà ứng viên đã đạt được.
8. Nên hỏi: “Bạn hiểu thế nào về công việc mà bạn ứng tuyển?”
Câu hỏi này sẽ giúp các nhà tuyển dụng biết được ứng viên có thật sự muốn làm việc và phát triển nghề nghiệp tại doanh nghiệp không hay chỉ đơn giản là đang đi tìm một việc làm.
9. Không nên hỏi: “Tại sao chưa có công ty nào tuyển dụng bạn?”
Ứng viên có thể đang bị thất nghiệp vì chưa tìm được công việc thích hợp hay là nạn nhân của tình trạng cắt giảm nhân sự hàng loạt của các doanh nghiệp khi nền kinh tế khó khăn chứ chưa hẳn vì kém tài năng hay đạo đức.
Nếu có những nghi vấn về tư cách của ứng viên, doanh nghiệp có thể lấy thông tin tham chiếu trước và sau phỏng vấn hoặc ký hợp đồng thử việc trước khi tuyển dụng chính thức.