Kiến thức quản trị “Kiềng ba chân” của Lazada

“Kiềng ba chân” của Lazada

16
Vào VN trong bối cảnh suy giảm kinh tế và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng sau hàng loạt các tố cáo lừa đảo online nhưng ngay từ những ngày đầu tiên, Lazada – Cty thuộc Tập đoàn Rocket Internet (Đức) lại “càn lướt” trên mọi “mặt trận”.
Ảnh minh họa

Từ 11/11 – 12/12, Lazada mang tới người tiêu dùng VN phong cách thực sự của Black Friday – đợt giảm giá khủng tại Mỹ.

Chủ tịch Câu lạc bộ Tiếp thị truyền thông Việt Nam (VMCC) – Trần Anh Tú cho biết: trong giai đoạn đầu, với chiến thuật quảng cáo đánh vào tâm trí cùng nguồn tài chính dồi dào, Lazada “bủa vây” người dùng Internet trên hai kênh quảng cáo lớn là Google Adword và Facebook Ad. Chỉ sau 9 tháng hoạt động, website Lazada.vn đã đạt mức 23 triệu lượt khách hàng truy cập.
Cuộc chơi của “gã nhà giàu”
Tháng 3/2012, Lazada đồng loạt hiện diện tại 6 nước Đông Nam Á Malaysia, Indonesia, Philippines Thái Lan, VN và Singapore. Khoảng cuối năm 2013, Lazada được rót thêm một khoản vốn là 250 triệu USD. Với khoản tiền đầu tư được coi là “khổng lồ” đối với một DN cung ứng dịch vụ online Lazada đã biến lợi thế của mình thành hiện thực.
TGĐ Cty TNHH Một Giờ Giải Lao (đơn vị chủ quản của website: Lazada.vn) Christopher Beselin cho biết: Ba chiến lược thành công mới nhất của Lazada tại thị trường VN là mở các văn phòng đại diện, tung ra ứng dụng mua sắm Lazada và cho phép người dùng bán hàng của chính mình trên nền tảng của Lazada (Lazada Marketplace). Các văn phòng đại diện của Lazada ra đời với mục đích chủ yếu không phải để bán hàng nhưng để giải quyết khó khăn thường trực của người dùng VN: thiếu lòng tin khi không thấy tận mắt, hay nắm tận tay, một trong những điểm khuyết của thương mại điện tử đang được Lazada và các tay chơi khác tìm cách bù đắp bằng nhiều cách. Ngoài ra, Lazada đã thành công khi cho ra mắt ứng dụng mua hàng của Lazada trên điện thoại và tính đến nay đã có hơn 1,5 triệu lượt tải về. Cuối cùng, và là điểm đặc biệt nhất, khách hàng đã có thể thiết lập cửa hàng của riêng mình trên Lazada. Lazada có hệ thống Online Marketplace riêng, và nhắm vào người bán hàng chuyên nghiệp với quy mô lớn.
Ông Christopher Beselin còn khẳng định: website Lamido cũng là một phần mở rộng của Lazada, và tập trung vào những tiểu thương với quy mô vừa và nhỏ. Lazada còn đổ tiền chiêu mộ các nhân tài trong ngành thương mại điện tử tại VN với mức lương “khủng”. Lazada không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tuyển đươc nhân lực có kinh nghiệm trong ngành này. Lazada tận dụng tối đa những gì là tinh hoa, để trở thành thương hiệu hàng đầu tại thị trường thương mại điện tử VN.
Vì thế, theo báo cáo cuối năm 2013 của hãng nghiên cứu comScore (Mỹ), Lazada.vn là trang web thương mại điện tử của nước ngoài duy nhất có mặt trong top 5 website bán lẻ hàng đầu VN với lượng truy cập khoảng 1,5 triệu lượt/ngày.
Xây dựng “niềm tin Việt”
Ba chiến lược thành công mới nhất của Lazada tại thị trường VN là mở các văn phòng đại diện, tung ra ứng dụng mua sắm Lazada và cho phép người dùng bán hàng của chính mình trên nền tảng của Lazada (Lazada Market place)
Từ tháng 12/2013, Lazada công bố hình ảnh thương hiệu mới “Lazada – Niềm tin Việt” với 3 cam kết vốn trước nay chỉ được các ông lớn TMĐT quốc tế dành chăm sóc các thị trường màu mỡ như Bắc Mỹ, Tây Âu. Thứ nhất, khách hàng có thể mở thùng hàng kiểm tra, thử sản phẩm trước khi quyết định mua hay không và chỉ thanh toán sau khi nhận hàng. Thứ hai, chính sách đổi trả hàng miễn phí trong vòng 30 ngày. Cuối cùng là luôn hỗ trợ khách hàng trong mọi tình huống. Đây là “cú hích” mạnh đối các khách hàng đang dao động niềm tin với “chợ ảo” cũng như toàn toàn bộ ngành công nghiệp TMĐT. Cũng phải nói thêm rằng, thời điểm đó, bán hàng ảo đang trong cơn sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng và trong cơn nguy chung đó, Lazada đã tự tạo ra cơ hội cho mình.

Xác định nhu cầu của giới trẻ năng động là mua sắm, giải trí, liên lạc và học tập, Lazada đã hợp tác cùng các trường đại học, hầu hết các ngân hàng lớn trong nước và quốc tế, Mastercard, Smatlink, BHD Star Cineplex, mạng di động Viettel, các ứng dụng nhắn tin OTT phổ biến nhất như Line, Zalo. Sắp tới, từ 11/11 – 12/12, Lazada kết hợp cùng một loạt các ngân hàng lớn tại VN mang tới người tiêu dùng VN hương vị thực sự của Black Friday – đợt giảm giá khủng luôn làm người tiêu dùng Mỹ chen lấn và giành giật mua sắm.
Nhưng vị trí dẫn đầu thị trường của Lazada có thực sự đủ mạnh? Sắp tới, khi VinEcom – Cty thương mại điện tử của một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất VN sẽ chính thức gia nhập thị trường. Thông tin từ trang web của Vingroup cho biết VinEcom đã nhận được tổng số 50 triệu USD, con số khổng lồ cho một DN mới thành lập (startup) Made in Việt Nam. Lazada sẽ có một đối thủ xứng tầm cả về tiền và lực. Tuy nhiên, “đường dài mới biết ngựa hay” – chúng ta hãy chờ xem.

Theo dddn