Để đời sống hàng triệu nông dân, ngư dân còn khó khăn, bất an là những nội dung các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ còn nhiều hạn chế trong điều hành, giải quyết từ các phiên trả lời chất vấn trước. “Món nợ” này của Chính phủ đối với dân còn hơn nợ xấu hay nợ công.
Ảnh minh họa
Theo ĐB Trần Du Lịch (Đoàn ĐB TP HCM), trong lợi thế về tự nhiên của Việt Nam có lẽ lớn nhất vẫn là lợi thế về nông nghiệp, hiểu nghĩa rộng bao gồm cả ngư nghiệp và kinh tế biển. Muốn giải quyết bài toán về phát triển trong kinh tế thị trường đối với nông nghiệp, chúng ta phải giải quyết ba việc: Sản xuất cái gì? Sản xuất bằng cách nào?
Sản xuất cho ai? Lâu nay sản xuất cái gì, trồng cây gì, nuôi con gì thì chúng ta nói rất hay, việc đó dễ nói. Tuy nhiên, sản xuất bằng cách nào với giá thành rẻ nhất có thể cạnh tranh được thì không giải được, sản xuất ra tức là bán đi đâu cũng không giải được, thành ra chúng ta ca bài ca muôn thuở “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Trong khi đó, ngành trăn nuôi cần 6 triệu tấn ngô, chúng ta chủ yếu phải nhập. Bởi vì, ngô sản xuất trong nước giá thành cao hơn (trên 6.000 đồng/kg), trong khi nhập khẩu 5.600 đồng/kg. Bộ NN-PTNT chỉ đạo làm ngô 200.000ha đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ngô không bán được. Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề phương thức tổ chức sản xuất thì không đưa khoa học, công nghệ vào được, không đưa tín dụng vào được, không giảm giá thành được. Bài toán về nông nghiệp không biết đến bao giời mới được giải quyết?
Vấn đề tổ chức phương thức sản xuất nông nghiệp không thể cứ nói chúng ta có 12 sản phẩm nông nghiệp về năng suất sinh học đứng đầu thế giới là được. Năng suất sinh học đứng đầu thế giới nhưng tại sao người nông dân làm các sản phẩm đó vẫn nghèo? Bởi vì, chúng ta làm ra giá thành cao hơn thiên hạ! Vậy sản xuất bằng cách nào? Đây là vấn đề cần phải có một biện pháp đồng bộ.
Còn về ngư nghiệp, nếu ngư dân đánh bắt, khai thác kiểu hiện nay mà cạnh tranh được thì rất khó. Chúng ta đã quy hoạch 5 trung tâm hậu cần nghề cá nhưng vẫn nặng hình thức. Theo ĐB Lịch, chúng ta cần xây dựng ngay một trung tâm hậu cần làm nhiệm vụ tổng hợp trong đó có hướng dẫn, đào tạo cả ngư dân. Chúng ta bảo không có tiền, sao không bán mấy cái khách sạn ở Hà Nội, TP HCM để làm trung tâm hậu cần nghề cá, đâu cần đi vay tiền. Vấn đề chính là ở tư duy quản lý.
Đối với vấn đề an ninh lương thực, câu hỏi đặt ra là giải quyết bài toán an ninh lương thực hay an ninh cả lương thực và thực phẩm. Đây là những vấn đề cần trao đổi và nghiên cứu một cách nghiêm túc. Nhiều người cứ nói nông nghiệp là lĩnh vực mà người sản xuất chịu hai loại rủi ro, rủi ro về tự nhiên và rủi ro về thị trường. Ở các nước, về rủi ro tự nhiên, người ta giúp người nông dân xóa đi bằng cách mua bảo hiểm về rủi ro thiên tai, bão lụt. Còn rủi ro thị trường thì có cơ chế để chuyển rủi ro đó từ người sản xuất sang người kinh doanh, tức là các thị trường tương lai. Tuy nhiên trong tổng thể vẫn là giải quyết vấn đề sản xuất cái gì, sản xuất cách nào và sản xuất cho ai để giảm rủi ro cho người sản xuất.
Theo ĐB Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐB tỉnh Tiền Giang), vấn đề tiêu thụ về nông sản, thủy sản vẫn còn ách tắc. Về cơ bản nông dân, ngư dân vẫn phải tự bơi trong sản xuất và thị trường tiêu thụ. Trong thời gian tới, Chính phủ nên có chính sách, giải pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn để vấn đề tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản của người nông dân được tốt và phải đảm bảo có lãi tối thiểu 30%.
Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT lại có quan điểm cẩn trọng hơn, đảm bảo an ninh lương thực tức là đảm bảo thu nhập của những người dân nghèo khi họ cần lương thực, họ có đủ lương thực để mua. Riêng điều này đối với một số trường hợp, đối với một số hộ dân nghèo ở những vùng rất khó khăn thì vẫn còn chưa được đảm bảo vững chắc. Vì thế thời gian tới để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cho đất nước, Bộ NN-PTNT cho rằng, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì năng lực sản xuất lương thực, thực phẩm. Nói cách khác là chúng ta phải nâng cao thu nhập cho những hộ còn có nhiều khó khăn để đảm bảo rằng tất cả mọi người dân nước ta luôn luôn có đầy đủ lương thực mà họ mong muốn.
Một quan ngại khác đối với đời sống nông dân là nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐB TP HCM), vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu đã và đang gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến tình hình kinh tế xã hội, đến đời sống nhân dân, đến những người sản xuất chân chính và cả an ninh quốc gia và ngân sách của nhà nước. Báo cáo của Bộ Công thương có ghi, trong 10 tháng đầu năm 2014 lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 130.000 vụ thì phát hiện xử lý 80.000 vụ, tức là trên 50%. Điều đó cho thấy tình trạng này vẫn còn xảy ra một cách nghiêm trọng với quy mô lớn và phức tạp. Người nông dân đã nghèo nhưng mua phải phân bón giả, thuốc trừ sâu giả càng nghèo thêm. Người dân ăn uống thì cảm thấy không an toàn, bệnh đi cấp cứu thì gặp thuốc giả rất đau lòng. Dân có rất nhiều bức bách và cảm thấy không an toàn trong cuộc sống. Đây là món nợ còn nặng hơn là nợ xấu hay nợ công.
Theo dddn