65% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục là “phổ biến”, và nhiều đơn vị mất hơn 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức.
Những con số đáng chú ý nêu trên được đưa ra tại báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 vừa được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Mỹ (US-Aid) công bố hôm nay (31/3) tại Hà Nội.
“Có một khoảng cách khá xa giữa mong muốn của lãnh đạo địa phương với cách hành xử của những cán bộ thực thi công vụ”, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI – Đậu Anh Tuấn đã đưa ra nhận định với vẻ ưu tư. “Số điểm của chi phí không chính tiếp tục giảm, tức là các doanh nghiệp đang phải mất tiền bôi trơn nhiều lên. Đây là vấn đề lớn”, ông Tuấn nói tiếp.
Cụ thể, nếu như năm 2013, chỉ số này được thống kê trung bình ở mức 6,56 điểm thì hai năm sau chỉ còn 4,97. Trong khoảng thời gian tương ứng, con số các công ty cho biết phải trả phí bôi trơn đã tăng từ 50% lên 66%.
“Sự gia tăng chi phí không chính thức là điểm mà doanh nghiệp e ngại nhất trong xu hướng tiêu cực, bên cạnh sự bất bình đẳng giữa các công ty Nhà nước – tư nhân cũng như sự thiên vị mà cơ quan công quyền dành cho các doanh nghiệp lớn”, báo cáo nhận định.
Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, chi phí không chính thức có trọng số chiếm 10%, chỉ đứng sau các chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch và đào tạo lao động (20%). Do vậy, không khó lý giải khi Sóc Trăng – địa phương có điểm cao nhất trong chỉ số chi phí không chính thức đã nhảy 14 bậc lên thứ 22 trên bảng xếp hạng PCI vừa công bố. Trong khi đó tại Hà Giang – tỉnh có điểm số này thấp nhất, lại có mặt trong nhóm 5 tỉnh cuối cùng.
“Thực tế cho thấy, ở các tỉnh mà quyết định đầu tư được thúc đẩy theo quy trình từ người đứng đầu, rồi các cấp dưới triển khai thì bao giơ cũng rút ngắn đáng kể so với trình tự thông thường là chuyên viên xử lý, trình các ban ngành thẩm định rồi đưa sang lãnh đạo tỉnh ký duyệt. Quảng Ninh, Quảng Nam là những cái tên được dẫn chứng cho cách làm này”, ông Lộc kể.
Theo Chủ tịch Quảng Ninh – Nguyễn Đức Long, nhờ mô hình thí điểm trung tâm hành chính cấp tỉnh, huyện liên thông xuống xã mà địa phương rút ngắn được 40% thời gian các thủ tục so với trước. Cùng với đó, việc đặt nút đo đếm sự hài lòng của doanh nghiệp với cán bộ giải quyết thủ tục cũng là một cách hiệu quả nhằm giám sát cán bộ thực thi.
Còn với Đà Nẵng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho hay, thành phố đã xây dựng cả hệ thống phần mềm kiểm soát thủ tục nội bộ. “Qua đây chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được được thời gian, trách nhiệm từng khâu”, ông Thơ nói. Tương tự, việc công khai thông tin, minh bạch cũng là một phương cách hiệu quả để Đà Nẵng giúp doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí không chính thức.
“Các bản đồ về kế hoạch sử dụng đất luôn được công khai để nhà đầu tư tiếp cận. Đề án liên kết giữa 8 sở để giải quyết thủ tục hành chính, cấp giấy phép kinh doanh trọn gói cũng đã được triển khai”, lãnh đạo thành phố dẫn chứng thêm.
Theo báo cáo PCI năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết bị cán bộ dùng các quy định để nhũng nhiễu là 66%, tăng 6% so với năm ngoái. Còn tỷ lệ doanh nghiệp trả lời câu hỏi “công việc được giải quyết sau khi chi tiền bôi trơn” là 59%, tăng nhẹ so với một năm trước. Trong khi đó, khâu làm thủ tục thông quan cũng khiến gần 59% doanh nghiệp được hỏi phải chi tiền.
Trong bản công bố gần một năm trước, các hoạt động mà doanh nghiệp có khả năng phải chi trả thêm cũng tương tự năm nay, như thủ tục hải quan, xin phép đầu tư, ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước…
Báo cáo PCI cũng lượng hóa khá chi tiết về chi phí không chính thức, thường được Tổ chức Minh bạch quốc tế gọi là chỉ số nhận thức tham nhũng hay chỉ số kiểm soát tham nhũng theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới.
Nhóm nghiên cứu khi đó cho biết, so với một số nước lân cận, cảm nhận chung của các doanh nghiệp FDI là môi trường đầu tư Việt Nam kém hấp dẫn hơn vì tham nhũng và chi phí không chính thức. “Nhà đầu tư xếp hạng chất lượng cơ sở hạ tầng Việt Nam ngang Lào và Campuchia. Song ngạc nhiên là với tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật thì Việt Nam bị đánh giá thấp hơn nhiều hai quốc gia láng giềng”, báo cáo nhận xét.
Báo cáo PCI 2015 được VCCI và US-Aid công bố năm nay dựa trên kết quả điều tra cảm nhận của hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam.Đây là năm thứ 11 liên tiếp PCI được công bố và cũng là lần đầu tiên báo cáo dành một chương riêng đánh giá thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Theo VnExpress