Không vượt qua được sự bất bình đã trở thành rào cản tâm lý cho rất nhiều người khi mới bước chân đi làm. Kì thực, trong công việc có ai là chưa từng bị mắng và chưa từng thấy bất bình với sếp?
Một đồng nghiệp 9x sau khi từ chức đã đến tạm biệt tôi – Cậu ta năm ngoái mới được công ty mời thẳng về làm việc ngay sau khi tốt nghiệp đại học, cậu ta thông minh, nhiệt huyết và có rất nhiều tiềm năng.
Trong những người mới được mời về, cậu ta được Phòng nhân sự và nhiều nhân viên gạo cội của công ty đánh giá rất cao. Vì thế, khi câu ta đưa ra đề nghị từ chức, rất nhiều người đã cố gắng giữ cậu ta lại, thế nhưng cậu ta vẫn kiên quyết xin nghỉ việc. Với vẻ mặt đầy oán giận, cậu ta kể cho tôi biết lý do nghỉ việc của cậu: “Em thực sự không thể chịu nổi ông ta, ông ta mắng em như một thằng điên, xúc phạm người khác một cách quá đáng.”
“Ông ta” ở đây chính là lãnh đạo trực tiếp của cậu, một người luôn đòi hỏi rất cao đối với nhân viên và ngay cả với chính bản thân mình. Cậu ta đã mắc sai lầm trong công việc, mặc dù không đến nỗi nghiêm trọng nhưng cũng ảnh hưởng nhất định đến tập thể Phòng ban, và lời trách mắng của ông sếp cũng có phần hơi gay gắt vì trong lúc nóng nảy không kiểm soát được lời nói.
Bình thường cậu ta cũng là người nhẫn nại, luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong công việc, thế nhưng lần này câu lại hơi có chút “ trái tim thủy tinh”.
Đối với những người đi làm công ăn lương như chúng ta, bị sếp mắng là chuyện cơm bữa hàng ngày. Bạn bè, đồng nghiệp, ngay cả bản thân chúng ta, nếu ai mà chưa từng bị sếp mắng thì người đó giống như người ngoài hành tinh.
Sự bất bình nhiều hay ít tại nơi làm việc không phụ thuộc vào vị trí bạn cao hay thấp, mà những người càng đứng ở vị trí cao họ càng phải chịu nhiều sự bất bình, thế nhưng họ lại sẵn sàng chấp nhận điều đó, đơn giản vì họ có khả năng biến sự bất bình trở thành sự trưởng thành, trở thành bài học để họ ngày càng tiến bộ.
Đi làm, ai mà chưa từng một lần cảm thấy bất bình? Thế nhưng ai có thể trưởng thành nếu không một lần bị mắng? Ngẫm lại thì mỗi lần bị mắng đều là có nguyên do, và nhiều khi sự bất bình chỉ là do bạn tự cho rằng mình bị đối xử bất công. Bất bình chẳng qua là do bạn thấy lòng tự trọng bị chà đạp, cho rằng lỗi không phải tại bạn mà là do người khác.
Tất nhiên, cũng không thiếu những sự bất bình đúng tại nơi làm việc, thế nhưng nếu bạn không vượt qua được cảm giác bất bình đó bạn sẽ thất bại. Bất bình mà bỏ cuộc là sự tự bảo vệ của kẻ yếu, bất bình mà tự ngẫm lại bản thân, thay đổi mình để hoàn thiện hơn là cách làm của kẻ mạnh.
Nếu bạn dùng thời gian để suy nghĩ cho sự bất bình vào việc tự thay đổi và nâng cao bản thân thì bạn sẽ cảm thấy sự bất bình trong bạn càng ngày càng ít đi. Sống trong vòng vây của sự bất bình sẽ khiến bạn quay lưng lại với lý tưởng của mình.
Bất bình là lý do tốt nhất để chạy trốn của kẻ yếu, và là chất dinh dưỡng quý của kẻ mạnh. Vì rằng thế giới vô cùng rộng lớn, mà mang theo mình một “ trái tim thủy tinh” thì bạn làm sao có thể tiến xa được? Làm sao có thể bắt kịp với dòng chảy của thời gian và theo đuổi những ước mơ của chính mình?
Theo Trí Thức Trẻ