14 sai lầm thường gặp của ứng viên trong các buổi phỏng vấn xin việc

Dù chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn xin việc, các bạn trẻ vẫn có thể vô tình mắc vài lỗi lớn trong cuộc hẹn nghề nghiệp quan trọng này.
   
14 lỗi lớn nhất trong buổi phỏng vấn xin việc


Ảnh minh họa

Trang Business Insider mới đây có bài viết tổng hợp các lỗi lớn nhất mà các bạn trẻ thường mắc phải trong buổi phỏng vấn xin việc. Dưới đây là 14 sai lầm đó.

1. Đến sớm 20 phút trước giờ phỏng vấn
Thoạt tiên, việc đến sớm này có vẻ là một chuyện tốt nhưng thật ra có thể bạn đang gây áp lực cho người phỏng vấn mình vì chắc chắn họ có lý do để đặt giờ hẹn cho bạn. Đương nhiên đến trễ thì không hay chút nào, song bạn chỉ cần đến sớm 5 phút là đủ. Hãy tìm một quán cà phê gần nơi hẹn và tán gẫu với bạn bè hoặc làm việc khác trong thời gian chờ đợi đến giờ phỏng vấn.
2. Quá chung chung
Bạn chỉ có một lần để thể hiện năng lực và kiến thức của mình, vậy nên khi trả lời câu hỏi bạn phải thể hiện càng chi tiết càng tốt. Đừng chỉ trả lời “có” hoặc “không” vì nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy rằng bạn không hề chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn này. Lướt qua lại những dự án hoặc công việc mà bạn cảm thấy tự hào nhất trước khi đi phỏng vấn, tránh trường hợp bạn quên dù có thể đó là thành quả thực sự của bạn, không phải là bịa đặt.

3. Không in CV mang đến buổi phỏng vấn

Hãy mang một bản in sơ yếu lý lịch của bạn đến dù bạn đã gửi nó qua thư điện tử. Điều này thể hiện rằng bạn là một người làm việc có sự sắp xếp và chuẩn bị kỹ lưỡng. Nên mang theo nhiều bản CV để phòng trường hợp buổi phỏng vấn của bạn có sự xuất hiện của nhiều hơn một nhà tuyển dụng.
4. Viết tắt trong CV và thư xin việc
Thật tế, các nhà tuyển dụng có thể kiểm tra nhanh được khả năng viết tiếng Anh của bạn thông qua việc xem lỗi chính tả, ngữ pháp, cấu trúc câu trong những lá thư xin việc hay sơ yếu lý lịch. Vì vậy, việc viết tắt trong các hồ sơ này sẽ là điểm trừ lớn của bạn trong việc tuân thủ các quy tắt cho lối viết trang trọng.
5. Không kể những chuyện nổi bật trong cuộc đời bạn
Bạn là ai, bạn giỏi việc gì nhất và bạn muốn làm gì trong cuộc đời bạn? Hãy viết những điều này ra giấy và có thể trình bày trước với một người bạn. Họ cần một cái nhìn tổng quát nhanh chóng và rõ ràng về những thành quả bạn đã đạt được trong cuộc sống và công việc. Nếu bạn không thể giới thiệu được bạn là ai thì nhà tuyển dụng làm thế nào để có thể tin tưởng giao việc cho bạn?
6. Không biết điều gì về lĩnh vực mà bạn ứng tuyển
Nếu bạn được mời đi phỏng vấn một công việc về ngành kỹ thuật, có thể bạn sẽ được hỏi điều gì mà bạn quan tâm trong công nghệ kỹ thuật. Nếu câu trả lời là “ờ… ừm…” thì chắc chắn là bạn sẽ mất điểm ngay. Hãy chuẩn bị thật kỹ cho các câu hỏi liên quan đến chuyên môn. Bạn cũng có thể ghi chú và xem lại kiến thức trước giờ phỏng vấn.

7. Mặc áo thun đến buổi phỏng vấn
Bạn sẽ bị mất điểm trầm trọng nếu công ty bạn ứng tuyển đòi hỏi sự chuyên nghiệp của ứng viên. Bạn nên lựa chọn trang phục công sở như áo sơ mi và quần hoặc váy màu đen.
8. Tỏ thái độ kiêu căng
Nhà tuyển dụng có thể sẽ rất muốn thuê bạn nhưng không có nghĩa bạn là một siêu sao và công ty sẽ phá sản nếu không có bạn. Bạn được phỏng vấn không có nghĩa là bạn sẽ nhận được công việc đó, vậy nên hãy khiêm nhường một chút.
9. Thương lượng lương bổng ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên
Có thể bạn chỉ đang cố gắng chắc chắn là mình không lãng phí thời gian vào buổi phỏng vấn ở công ty này nhưng hỏi về lương ngay buổi phỏng vấn đầu tiên là điều không nên. Bạn hãy nhớ rằng các công ty đều có quy trình tuyển dụng và càng đi sâu vào vòng trong, bạn sẽ càng có cơ hội thương lượng mức lương.
10. Không sử dụng hình cá nhân trên trang mạng xã hội (Twitter, LinkedIn, Google+…)
Nếu bạn sử dụng những hình ảnh khác như chó, mèo… thì khi gửi CV cho nhà tuyển dụng, họ sẽ nghĩ bạn là một người không chuyên nghiệp. Gửi tin nhắn cho một người bạn nào đó để kiểm tra xem các tài khoản trên mạng xã hội của bạn đã được chỉnh sửa hình đại diện chưa.

11. Quên gửi thư phản hồi lại với công ty

Nhà tuyển dụng muốn tuyển một người thật sự muốn làm việc ở công ty và nếu họ không nhận được bất kỳ bức thư nào từ bạn sau buổi phỏng vấn thì có thể bạn sẽ bị loại cho dù bạn rất giỏi. Bạn không cần phải làm điều gì quá lớn, có thể chỉ cần cảm ơn người tuyển dụng đã sắp xếp thời gian phỏng vấn bạn chẳng hạn.

12. Thiếu năng lượng
Khó để biết được mức độ năng lượng cần thiết thể hiện trong buổi phỏng vấn, nhưng nếu nhà tuyển dụng cảm thấy bạn quá nhàm chán và thụ động trong buổi phỏng vấn thì nguy cơ bị loại là rất cao.
Nếu bạn thích ý tưởng làm việc của họ, hãy thể hiện sự thích thú và quan tâm đến điều đó. Tuy nhiên sự hào hứng không giống với việc bạn phấn khích và quá kích động.
13. Quên cạo râu
Nam giới thường thích có râu để trông nam tính hơn nhưng không đồng nghĩa với việc bạn để một bộ râu xồm xoàm và luộm thuộm đến buổi phỏng vấn. Điều này khá mất điểm với nhà tuyển dụng.
14. Sơ yếu lý lịch dài quá 3 trang
Đừng lo rằng hồ sơ của bạn không đủ dài, nhà tuyển dụng không có thời gian để đọc hết tất cả thông tin của bạn. Họ cần một sơ yếu lý lịch ngắn gọn và đủ ý để có thể lướt qua trong vòng 30 giây.

Theo Báo Thanh Niên