Năm ngoái, Elizabeth Holmes đứng đầu trong danh sách những nữ tỉ phú tự thân giàu có nhất nước Mỹ và là nữ tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới với khối tài sản trị giá 4,5 tỉ USD theo đánh giá của Forbes. Tuy nhiên hiện tại, chính tạp chí này đã đánh giá lại và cho rằng khối tài sản của Holmes chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Cụ thể, Forbes tính toán khối tài sản của Holmes dựa trên toàn bộ 50% cổ phần mà cô có tại Theranos – công ty xét nghiệm máu do cô thành lập vào năm 2003 với kế hoạch mang tới cuộc cách mạng trong lĩnh vực xét nghiệm máu.
Cổ phiếu của Theranos không giao dịch trên bất kỳ sàn chứng khoán nào; Thay vào đó, năm 2014, các nhà đầu tư tư nhân mua cổ phiếu của công ty ở mức giá giả định giá trị công ty là 9 tỉ USD.
Sau đó, Theranos gây ồn ào với cáo buộc kết quả kiểm tra không chính xác và bị điều tra. Ngoài ra còn có thông tin tiết lộ doanh thu hàng năm của Theranos ít hơn 100 triệu USD khiến Forbes hạ mức định giá của công ty.
Bản thân tạp chí Forbes đã nói với nhiều nhà đầu tư mạo hiểm, chuyên gia phân tích rằng giá trị thực của Theranos chỉ vào khoảng 800 tiệu USD, thay vì con số 9 tỉ USD. Theo VC Experts – công ty nghiên cứu tư nhân, giá trị tài sản của công ty hiện nay bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và 724 triệu USD vốn góp từ nhà đầu tư.
Ở mức định giá thấp, số cổ phần của Holmes gần như có giá trị bằng 0. Chưa kể tới việc tại công ty, các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ưu đãi sẽ được trả cổ tức trước Holmes – người sở hữu cổ phiếu thường.
Ngoài ra, trong trường hợp nếu xảy ra việc thanh lý tài sản, các cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi cũng sẽ được ưu tiên chi trả trước Holmes.
Dưới đây là 3 nguyên nhân khiến Forbes hạ mức định giá của Theranos:
Có quá nhiều ẩn số
Mức giá trị 9 tỉ USD vẫn là một bí ẩn lớn. Theranos nói rằng họ có thể thay thế phương pháp xét nghiệm máu truyền thống bằng một chiếc kim châm cực nhỏ được giấu trong một chiếc hộp nhỏ như đồng xu, hai giọt máu sẽ được trích ra và sau đó 240 phép xét nghiệm có thể được thực hiện trong thời gian ngắn hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống, giá lại rẻ hơn.
Tuy nhiên, công ty này lại chưa đưa ra bất kỳ dữ liệu nào chứng minh rằng công nghệ của họ hoạt động hiệu quả và chính xác.
Thông tin chưa rõ ràng
Holmes từng hứa sẽ công khai dữ liệu trong vòng 6 tháng của công ty nhưng đến tháng 4 năm nay điều này vẫn chưa xảy ra.
Ban đầu, Theranos cho biết đã nhận được sự chấp thuận của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để thực hiện việc xét nghiệm virus Herpes, đây được cho là bước khởi đầu cho 120 xét nghiệm sau đó.
Tuy nhiên, sau đó phía FDA đã không chấp nhận và yêu cầu Theranos ngừng sử dụng công nghệ xét nghiệm của họ và không chấp thuận cho cả những trường hợp sau này. Theranos đã để mất hàng nghìn xét nghiệm.
Thị trường mục tiêu không tồn tại
Nhiều chuyên gia luôn hoài nghi về ý tưởng cho rằng giá trị của Theranos ngang bằng với một số “ông lớn” khác trong ngành như Laboratory Corp. of America (vốn hoá thị trường 13 tỉ USD) hay Quest Diagnostics (vốn hoá 11 tỉ USD).
Tuy nhiên thực tế là giá cho mỗi lần xét nghiệm tại Theranos rẻ hơn các đối thủ. Chính vì vậy ngoài việc cải thiện biên lợi nhuận, công ty này cũng cần tìm kiếm được nhiều khách hàng tham gia xét nghiệm hơn nếu muốn đạt mức giá trị ngang bằng với các công ty kể trên.
“Cố gắng thay thế công nghệ xét nghiệm trong phòng thí nghiệm thông thường là một việc khó khăn” theo Robert Nelson đến từ quỹ ARCH Ventures. Biên lợi nhuận trong lĩnh vực này vốn thấp và rất khó để cho một công nghệ mới có thể thành công.
Tháng 8 tới đây, Holmes sẽ phải tình bày dữ liệu kinh doanh của Theranos trong buổi họp cổ đông AACC – Hiệp hội người Mỹ hóa học lâm sàng và từ đó có thể có thêm một vài thông tin. Tuy nhiên hiện tại, Holmes đã bị loại ra khỏi danh sách những nữ tỉ phú tự thân giàu có nhất của Forbes.
Theo Trí Thức Trẻ/Forbes