Ngân hàng không còn “cao giá”
Nghề ngân hàng, dù vẫn đang nằm trong tốp đầu các ngành nghề có thu nhập hấp dẫn, nhưng không còn “cao giá” như những năm trước.
Xuân Vượng, cán bộ tín dụng của ngân hàng T. chia sẻ, anh đi làm ở ngân hàng đã 8 năm. Những năm trước anh và đồng nghiệp không bị áp chỉ tiêu cao, cứ đến tháng là lĩnh lương, được chia thưởng theo quý và các dịp Lễ. Đến Tết âm lịch có người còn được thưởng cả năm lương. Chẳng thế mà nhà nhà, người người cứ lo “chạy” bằng được vào ngân hàng với bất cứ giá nào.
Nhưng 2 năm trở lại đây thì tình hình đã thay đổi. Anh Vượng cho biết môi trường giờ đây rất khắc nghiệt. Không chỉ người mới mà những người làm lâu năm, lúc nào trong đầu cũng chỉ nghĩ đến chỉ tiêu, doanh số và canh cánh nỗi lo cắt lương, giảm thưởng, thậm chí là nghỉ phép… vô thời hạn.
Chị Lê Thị Loan, trưởng phòng giao dịch tại ngân hàng A. trong khi đó chia sẻ, ở chi nhánh của chị, có nhiều người sau khi tận dụng hết các mối quan hệ từ gia đình, người thân đến bạn bè thì lo không chạy nổi chỉ tiêu nên đã tự xin nghỉ trước khi bị áp các hình thức phạt.
Giám đốc nhân sự của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn thừa nhận, lương của cán bộ ngân hàng giờ đây khá èo uột. Những người mới vào nghề chỉ được 3-4 triệu đồng/tháng, thâm niên 3-5 năm cũng chỉ được trên dưới 10 triệu đồng. Bên cạnh chỉ tiêu phải gánh thì đặc thù phải đi sớm về muộn, thường xuyên phải đi công tác, thiếu thời gian dành cho gia đình và nhu cầu cá nhân cũng đã làm cho nhiều người từ bỏ nghề.
Nguyên nhân chính khiến cho nghề ngân hàng bớt “cao giá” là bởi nguồn nhân lực trong ngành này tăng mạnh, trong khi đó các ngân hàng lại đẩy mạnh tái cơ cấu, thanh lọc nhân sự và chỉ những người có năng lực thực sự mới có thể bám trụ lâu dài.
Hình ảnh của những cán bộ ngân hàng quần là áo lượt lĩnh lương vài chục triệu đồng mỗi tháng, ngồi “chiếu trên” đối với các doanh nghiệp và người dùng dịch vụ cũng không còn do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa người trong nghề với nhau và giữa các nhà băng với nhau. Thay vào đó là những người luôn tất bận với lo toan chỉ tiêu, phải tìm kiếm khách hàng khắp nơi và lương phụ thuộc vào những thượng đế mà họ chăm sóc.
Môi giới bất động sản lên ngôi
Ngược trở lại, những người làm nghề sale – môi giới bất động sản giờ đây lại “lên ngôi” khi thị trường này hồi phục mạnh mẽ, các dự án mọc lên như nấm và nhu cầu nhà ở tăng cao. Những hình ảnh sale vận đồ vest, hàng hiệu, dùng smartphone đời mới, đi xe ga đắt tiền, thậm chí là xe hơi, ở nhà đẹp đã không còn hiếm gặp.
Những năm trước, môi giới bất động sản gần như không được coi là nghề và chẳng mấy ai để ý. Giai đoạn thị trường đóng băng có tới gần một nửa số người làm nghề này phải từ bỏ.
Anh Lê Văn Quân, một sale bất động sản xuất sắc của Tập đoàn V. tại Hà Nội cho biết, làm nghề gì cũng có duyên, nhưng làm bất động sản duyên dễ “bén” hơn. Như anh tìm kiếm được chỗ làm có uy tín lại đúng lúc thị trường phát triển nên mới làm được khoảng 4 năm, anh đã có thể mua được nhà ở hơn 3 tỷ đồng, sắm được xe hơi và cho con học ở Vinschool – một ngôi trường với chi phí đắt đỏ chẳng kém gì trường quốc tế.
Chia sẻ về nghề của mình, anh Quân cho biết, làm môi giới bất động sản rất khó mà lại rất dễ. Mức lương chỉ vài triệu đồng mỗi tháng nhưng nguồn thu nhập chính lại đến từ hoa hồng của các hợp đồng mua nhà, thường từ 2-5% trên giá trị bất động sản. Người nào bán hàng có duyên có thể bán được vài căn mỗi tháng, tính ra thu nhập vài chục triệu đồng là hoàn toàn có thể.
Nghề này còn hấp dẫn bởi không bị bó buộc trong một không gian công sở chật hẹp với 8 tiếng mỗi ngày, mà có thể làm việc bất cứ nơi đâu, từ quán trà đá cho đến cà phê máy lạnh, nhà hàng sang trọng, được ăn mặc đẹp và tiếp xúc với người giàu thường xuyên.
Nói như vậy không có nghĩa nghề môi giới bất động sản chỉ toàn màu hồng và ai làm cũng thành công. Người làm nghề này cũng đối mặt với không ít khó khăn bởi đó là nghề mua bán niềm tin, chưa kể đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các sale với nhau. Có không ít người theo đuổi hàng tháng trời vẫn không thể bán được một căn nhà và phần lương không đủ tiền xăng xe đi lại, phải từ bỏ công việc tưởng chừng ngon ăn này.
Chưa kể, người làm môi giới bất động sản luôn có mối lo trực chờ đó là thị trường đóng băng, trầm lắng. Hôm nay anh có thể là ngôi sao kiếm bạc triệu mỗi ngày nhưng ngày mai anh có thể bị thất nghiệp.
Theo Trí thức trẻ/CafeF