Dân Anh đã đưa ra quyết định: vương quốc Anh sẽ tách khỏi EU. Đây là một thời khắc lịch sử: Chưa từng có quốc gia nào rời khỏi EU. Không có một tiền lệ nào trước khi Brexit trở thành hiện thực.
Công dân Anh có lý do để biết ơn EU, khi đem băng thông rộng đến mọi gia đình, thông qua các quy định bảo vệ thông tin và công nhận nhu cầu hợp tác giữa các nước với nhau về vấn đề an ninh mạng.
EU còn cố gắng hướng tới thị trường kỹ thuật số duy nhất, một thị trường trực tuyến liền mạch nơi các dịch vụ kỹ thuật số có thể phát triển thịnh vượng, các ngành công nghiệp, việc làm và nền kinh tế đều được hưởng lợi.
Liên minh châu Âu cũng đang trong quá trình giúp người sử dụng điện thoại cảm thấy thoải mái khi đi du lịch hay làm việc giữa các thành viên trong khối khi họ cố gắng xóa bỏ phí chuyển vùng.
Điều này làm hài lòng cả người dùng phổ thông lẫn các nhà mạng tại Anh quốc khi nó đem lại lợi ích cho việc kinh doanh của họ. Tất nhiên, những nhà mạng này đứng về phía ủng hộ Vương Quốc Anh ở lại với EU.
CEO của Telefonica, ông R.Dunne đã viết một bài blog trên LinkedIn “Anh cần đặc quyền không hạn chế thâm nhập vào thị trường châu Âu để có thể cạnh tranh hiệu quả. Nếu không, nền kinh tế của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng dù là ngắn, trung hay dài hạn”
Công ty BT ở Anh có gần một nửa doanh thu đến từ EU. Nếu Anh tách khỏi khối này chắc chắn việc kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng. “BT luôn cho rằng triển vọng của công ty sẽ tốt hơn nếu Anh ở lại trong một EU được cải cách”, phát ngôn viên của BT nói.
Giới công nghệ Anh nghĩ gì?
Một cuộc khảo sát do Juniper Research tiến hành với những người làm về công nghệthông tin tại Anh cho biết có 65% người được hỏi nghĩ rằng Brexit sẽ có tác động tiêu cực cho ngành công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.
70% trong số này nói rằng các công ty công nghệ cao tại Anh sẽ khó có thể thu hút và sử dụng lao động đến từ EU.
Anh luôn tự hào là nước dẫn đầu ngành công nghệ cao tại châu Âu, với 18 trong 47 công ty công nghệ thông tin của EU trị giá hơn 1 tỷ USD. Họ được mệnh danh là kỳ lân của làng công nghệ Âu châu.
Gần 2/3 số người được khảo sát của Juniper cho biết họ nghĩ rằng ngành công nghiệp công nghệ cao tại Anh sẽ phải hứng chịu việc giảm nguồn tài trợ từ EU và London sẽ không còn hấp dẫn người tài như trước nữa.
Chính vì điều này, các công ty lớn lẫn startup tại Anh như Just Eat, Funding Circle, Zoopla and TransferWise mong muốn Anh sẽ ở lại với EU vì những ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của họ. Không có startup nào công khai ủng hộ Brexit, CNETcho biết.
Tuy nhiên vẫn có những tiếng nói bất đồng từ giới công nghiệp công nghệ cao của Anh mà người tiên phong là James Dyson. “Các chiến dịch đòi ở lại vẫn nói rằng sẽ không có ai thương mại với chúng ta nếu quyết định rời khỏi EU, nhưng xin lỗi, điều đó thật khôi hài”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với The Telegraph hồi đầu tháng này.
Thái độ của người ngoài cuộc
Những gã khổng lồ công nghệ tại Mỹ không dễ dàng đưa ra thái độ đồng ý hay phản đối Brexit.
“Chúng tôi hiểu và tôn trọng rằng có một loạt lý do thúc đẩy mọi người từ cả hai phe, nhưng là một doanh nghiệp tận tâm với đất nước này, chúng tôi cho rằng Anh nên ở lại EU”, Microsoft viết trong một bức thư ngỏ hồi tháng Năm. Bill Gates cho biết ông cũng có ý kiến tương tự.
Google và Facebook, mặt khác, đứng trung lập trong cuộc tranh luận. Họ chỉ đưa ra những công cụ giúp người dân bàn luận và bầu cử .
Cụ thể hơn, Facebook một lần nữa đem nút “Tôi là một cử tri” trở lại với nước Anh và họ cũng làm một sự kiện live trong đó các thành viên của công chúng tra hỏi nhân vật chủ chốt của cả hai phe, trong đó có cả Thủ tướng Anh David Cameron và Nigel Farage.
Google cũng công khai niêm yết số liệu thống kê và bản đồ hiển thị tìm kiếm liên quan đến Brexit .
Các công ty này không phải không có lợi ích riêng tại đây. Cả hai đều sử dụng London như trung tâm cho nhiều hoạt động của họ ở châu Âu và chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi Anh rời khỏi EU.
Theo Trí thức trẻ/GenK