6 bài học cho sinh viên trước khi ra trường đi xin việc

Được bao bọc bởi gia đình và nhà trường với cách giáo dục thụ động, hầu hết sinh viên Việt Nam khi mới ra trường thiếu hụt những kinh nghiệm và kỹ năng sống cơ bản. Bài viết này không nhằm mục đích hù họa mà là kinh nghiệm thật của một độc giả dành cho các bạn sinh viên sắp “vào đời”.


Ảnh minh họa

Có thể nói tôi trước kia là một mẫu hình của danh hiệu “con nhà người ta”. Suốt 12 năm học tôi đều là học sinh giỏi, thủ khoa cấp 3, một lớp phó văn thể mỹ năng nổ, thường xuyên tham gia các hoạt động của trường. Lên đại học tôi vẫn hoàn thành rất tốt vai trò của một phó bí thư chi đoàn và ủy viên ban chấp hành đoàn khoa. Những thành tích của tôi thiệt không đếm xuể. Tôi luôn là niềm tự hào của ba mẹ, thầy cô và là tấm gương mà nhiều phụ huynh mong muốn con em họ noi theo.
 
Để đạt được điều đó tôi đã phải học không ngừng nghỉ, hạn chế thời gian xem phim và đi chơi với bạn bè. Đối với tôi, một ngày là học trên trường, học thêm và tự học vào buổi tối. Tôi lên lịch học hết sức dày đặc và thường hay đọc sách của các chương trình nâng cao để lấy tài liệu phong phú cho bài thi, do đó tôi thường được điểm cao.
 
Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Tôi đã phải đánh đổi. Vì ít khi đi chơi nên thành ra tôi có rất ít bạn. Tôi hoàn toàn không học được cách nghĩ cho người khác nên không được khéo léo khi trò chuyện với mọi người. Tôi hạn chế các hoạt động giải trí nên không biết được những đề tài để có thể kéo mọi người gần gũi với mình. Tôi không ra ngoài cuộc sống để trải nghiệm nên khi va vào thực tế tôi trở nên bỡ ngỡ và hoàn toàn thụ động trước mọi tình huống. Tôi đã không nhận ra điều này cho đến khi tôi bắt đầu đi làm và bước vào môi trường công sở. Thiếu hẳn những kỹ năng sống cơ bản, tôi đã trải qua một năm rưỡi kinh hoàng.
 
Tôi làm nhân viên Marketing cho một công ty. Tôi hay bị đồng nghiệp ăn hiếp. Mỗi ngày đi làm tôi lại chán nản không biết hôm nay họ sẽ lại xách mé tôi chuyện gì. Tôi không biết cách nói chuyện với họ, không biết cách ứng đối phù hợp. Tính tôi lại thẳng nên thường xuyên xảy ra cãi vã mà người chịu ấm ức luôn là tôi bởi tôi còn quá non kinh nghiệm với đời. Thực sự tôi không thể hòa hợp với mọi người trong bộ phận. Chuyện ngày càng nghiêm trọng hơn khi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, lớn nhỏ có đủ. Trong quá trình làm việc do tôi còn thiếu kinh nghiệm nên hay để xảy ra lỗi.
 
Qua 1.5 năm kinh hoàng này, tôi nhận ra rất nhiều bài học mà trước giờ một con bé ngốc nghếch và vô tâm như tôi chưa hề được học. Đó là những kinh nghiệm sống khi bắt đầu cuộc sống công sở. Tôi xin chia sẻ với các bạn, nhất là những bạn sắp ra trường để có sự chuẩn bị cho bản thân.

Bạn cần biết vị trí của mình là ở đâu, thông qua đó bạn sẽ biết được những gì nên làm. Khi mới ra trường, bạn chưa có kinh nghiệm vì vậy bạn cần học hỏi và lắng nghe từ anh chị đồng nghiệp kinh nghiệm dày dặn hơn. Đừng ngại chạy việc hay làm những việc nhỏ nhặt. Hãy ngừng hỏi và bắt tay vào làm vì xuất phát điểm ai cũng như thế và có như vậy bạn mới học được kinh nghiệm.
Bạn cần phải học cách giữ bình tĩnh và kiên nhẫn. Tôi biết điều này vô cùng khó nhưng hoàn toàn bạn có thể học được. Bình tĩnh và kiên nhẫn giải quyết những xung đột trong công việc vì đây điều không ai tránh khỏi khi đi làm. Đừng bao giờ để những cơn nóng giận làm đổ vỡ những mối quan hệ. Vì thế nên cố gắng giữ gìn mối quan hệ với mọi người.
Xác định những mục tiêu để làm bánh lái trên con đường sự nghiệp của mình. Tôi đã không xác định vì thế cứ mãi ngồi ỳ một chỗ để rồi lãng phí 1,5 năm trời. Nếu bạn không có mục đích, bạn chẳng có động lực, chẳng biết nên đi tới đâu về đâu, bạn dễ dàng bị sa đà vào những gì không quan trọng.
Luôn cố gắng làm mọi việc tốt nhất khả năng, ngay cả những việc nhỏ nhất. Mỗi nhiệm vụ đều là một cơ hội để sếp và các đồng nghiệp đánh giá khả năng của bạn. Vì thế hãy luôn cố gắng nỗ lực để mọi thứ hoàn hảo.
Nếu bạn có lỡ mắc sai lầm thì cũng đừng sống mãi với nó mà học cách khắc phục nó. Chúng ta không phải vĩ nhân, và cũng không phải là thánh thần nên ai cũng có lúc mắc phải sai lầm. Quan trọng là bạn biết nhận sai, nhận trách nhiệm và tìm cách sửa sai.
Đối xử với mọi người theo cái cách mà bạn muốn mọi người đối xử với bạn. Tuy nhiên đừng hy vọng được tất cả đồng nghiệp quý mến. Dù bạn có tốt đến đâu cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người.
Lời kết: Tôi của ngày hôm nay đã khác xưa rất nhiều, biết cách kiềm chế và rộng lượng để mình bớt phiền muộn, biết rút kinh nghiệm và học được nhiều điều quý giá sau 1,5 năm đi làm. Giờ đây tôi đã chuyển qua công việc mới và đang rất cố gắng ở vị trí mới này.
 
Lời khuyên cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các bạn là thế này. Nếu có một ngày bạn thấy mọi thứ rối tung, chẳng hề suôn sẻ, và dường như cả thế giới chống lại bạn, đừng lo vì không có gì là không có cách giải quyết. Mọi thứ rồi sẽ qua thôi và everything will be okay.

Theo Hrinsider