Tin tức - Sự kiện Vai trò quan trọng của giáo dục thể chất trong nhà trường

Vai trò quan trọng của giáo dục thể chất trong nhà trường

1429

GD thể chất (GDTC) là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu GD toàn diện HS trong nhà trường. ThS – Giảng viên chính Trần Thị Hòa (Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) có những chia sẻ sâu hơn về vai trò môn học này đối với sự phát triển toàn diện của HS.


Ảnh minh họa

Rèn thể lực – nền tảng trau dồi trí lực

Khoa học cũng như thực tiễn cho thấy, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của con người bằng “phương tiện” là bài tập thể chất, là biện pháp chủ động nhất, tích cực nhất, ít tốn kém nhất có khả năng thực thi, mà lại phù hợp với quy luật hoạt động tâm, sinh lý của cơ thể và lứa tuổi, mang tính phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe, làm đẹp hình thái, phát triển toàn diện các tố chất vận động một cách ưu thế nhất!

Thông qua rèn luyện thân thể bằng hệ thống các môn thể dục thể thao (TDTT). Với những đòi hỏi sự nỗ lực cao của mỗi môn thể thao khác nhau, có thể hình thành và GD được những phẩm chất đạo đức nhân cách của con người một cách tự nhiên như: Y chí, lòng dũng cảm, lòng quyết tâm, sự tự tin, tính kiên trì và nhẫn nại, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể ý thức đồng đội… TDTT làm lành mạnh đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội; đặc biệt là xây dựng niềm tin và lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.

Cùng với sự chăm lo tới đời sống vật chất và tinh thần của HSSV, GDTC và thể thao với bản chất là vận động, là một phương tiện hữu ích, hợp lý giữa chế độ học tập và nghỉ ngơi tích cực, giữ gìn và nâng cao sức khỏe, năng lực hoạt động trong tất cả các thời kỳ học tập. Việc học GDTC còn có tác dụng quan trọng trong quá trình rèn luyện đạo đức, ý chí và thẩm mỹ cho lớp trẻ.

Khỏe thể lực – lành mạnh về nhân cách

Đối với thế hệ trẻ, GDTC và thể thao lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vì đây là thời kỳ nhạy cảm nhất để phát triển và hoàn thiện thể chất, nhân cách trong cuộc đời của con người. Một phương pháp hiệu quả nhất, nhằm GD toàn diện cho thế hệ trẻ, trong hiện tại và cả tương lai của dân tộc. Được thực hiện ngay từ tuổi đi học cho tới suốt cả quá trình lao động nghề nghiệp.

Cùng với sức khỏe, trí tuệ, hoàn thiện các năng lực thể chất là yếu tố cơ bản của con người lao động mới. Mỗi người cần phải có một lối sống lành mạnh, một sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là trong hoàn cảnh nhiều mặt trái của nền kinh tế thị trường như hiện nay.

GDTC trong nhà trường có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy và bồi dưỡng nhân tố con người. Đồng thời góp phần nâng cao thể lực GD nhân cách, đạo đức lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần và phát huy tinh thần dân tộc của con người Việt Nam, tăng cường và giữ vững an ninh quốc phòng. Nhất là trong tình hình hiện nay của đất nước.

Hiện nay, các trường đại học và cao đẳng đều có xu hướng phát triển cả về quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Trong khi đó, những điều kiện cơ bản cho hoạt động và phát triển thể thao trường học còn thiếu và yếu như:

Công tác tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra đánh giá hoạt động còn bị bỏ ngỏ, có trường đại học còn chưa có tổ bộ môn GDTC, mọi hoạt động chuyên môn còn bị… phụ thuộc, chồng chéo trong tình trạng “cầm tay chỉ việc” và lại… rất ít được quan tâm. Cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập ít được đầu tư, tình trạng: “Dạy chạy, học chạy” còn phổ biến. Đời sống sinh viên đã nghèo nhưng lại phải tự túc… mua dụng cụ học tập môn GDTC. Qũy đất dành cho TDTT ngày càng bị thu hẹp… Trong khi tỉ lệ tuyển sinh ngày càng tăng, nhiều sinh viên mang tư tưởng học đối phó… Chất lượng giờ học còn mang tính hình thức. Như vậy đã đặt chất lượng GD, trong đó GDTC trước một thách thức to lớn!

Để mang lại những giá trị đích thực của GDTC và TDTT đến với thế hệ trẻ Việt Nam, cần có sự nhìn nhận đúng đắn, và sớm có hành động của các cấp lãnh đạo, trực tiếp là các cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu các nhà trường về công tác GDTC và hoạt đông thể thao học đường, và cần lắm sự chung tay của toàn xã hội.

Theo Giáo dục và Thời đại