Chi phí học đại học cao nhưng chưa chắc đảm bảo một công việc tốt

Không chỉ ở Việt Nam, tại Mỹ chi phí cho một tấm bằng đại học đang ngày một tăng lên dẫn tới tình trạng một số sinh viên tốt nghiệp sau khi ra trường phải gánh trên vai khoản nợ khổng lồ.


Ảnh minh họa
Khi LaTisha Styles tốt nghiệp từ trường Đại học bang Kennesaw tại Georgia, Mỹ vào năm 2006, cô phải gánh trên vai khoản nợ lên tới 35.000 USD.

Chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu như tấm bằng tiếng Tây Ban Nha có thể giúp Styles kiếm được một công việc với mức lương đủ để trả nợ. Không may là thị trường không thiếu những người phiên dịch tiếng Tây Ban Nha. Bởi vậy, Styles phải làm việc trong một cửa hàng quần áo và nhà hàng thức ăn nhanh với mức lương 11 USD/giờ.

Nản chí, cuối cùng Styles đưa ra quyết định dũng cảm là quay lại trường đại học và học một chuyên ngành khác có tính ứng dụng cao hơn. Cô quyết định theo học lĩnh vực tài chính và hiện có một công việc ổn định ở một công ty tư vấn đầu tư. Tuy nhiên lúc này khoản nợ cho chi phí học đại học của Styles đã tăng lên con số 65.000 USD.

Câu chuyện trên cho thấy rằng rất khó để đưa ra một câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Liệu bằng đại học có còn đáng giá hay không?” Một vài sẽ cho ra quả ngọt, số còn lại thì không.

Tháng 1/2016, ông Obama cũng khiến dư luận dậy sóng khi nói bóng gió rằng: “Một người bình thường có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhờ học thương mại thay vì cố gắng lấy một tấm bằng nghệ thuật”. Trước tuyên bố như vậy, một giáo sư về lịch sử nghệ thuật đã phẫn nộ và yêu cầu ông Obama phải xin lỗi. Nhưng đáng tiếc ông Obama đã đúng!

Những sinh viên tốt nghiệp đại học trong độ tuổi từ 25 – 30 làm việc toàn thời gian kiếm được khoảng 17.500 USD mỗi năm – nhiều hơn so với những người cùng trang lứa chỉ có bằng cấp 3 theo nghiên cứu của Pew Research Center.

Tuy nhiên không phải tấm bằng đại học nào cũng có ích. Và bằng việc đổ tiền đầu tư vào đây (chi phí học ở một số trường có thể tốn tới 60.000 USD mỗi năm) rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chịu cảnh nợ nần chồng chất.

Chi phí tại một số trường đại học khác nhau và “khả năng thu hồi lại vốn”:

PayScale – một công ty nghiên cứu đã thu thập dữ liệu sinh viên tốt nghiệp của hơn 900 trường đại học và cao đẳng để hỏi xem họ học ngành gì và có thu nhập bao nhiêu sau khi tốt nghiệp.

Cuối cùng PayScale ước tính những lợi ích về mặt tài chính mà sau này họ thu lại được với những loại bằng cấp khác nhau.

Không quá ngạc nhiên, kỹ sư là ngành học có khả năng “thu hồi vốn” nhanh nhất.

Một kỹ sư tốt nghiệp từ trường California có thể kiếm được gần 1,1 triệu USD sau 20 năm kể từ khi tốt nghiệp so với những người không có bằng đại học.

Thậm chí, những khoá học kỹ sư bình thường nhất cũng có khả năng thu về 500.000 USD sau 20 năm.

Những khóa học về nghệ thuật và nhân văn thì khá đa dạng. Nhìn chung một người học nghệ thuật tại trường Murray ở Kentucky có thể kiếm được khoản tiền ít hơn 147.000 USD sau 20 năm tốt nghiệp so với một người không tốt nghiệp đại học.

Một số trường đại học tỏ ra không hài lòng với xếp hạng của PayScale. Họ cho rằng công ty này mới chỉ dựa trên một số rất nhỏ các sinh viên tốt nghiệp và chưa tính đến những ảnh hưởng của thị trường việc làm ở mỗi địa phương khác nhau.

Dĩ nhiên những trường đào tạo đa ngành nghề sẽ khó cạnh tranh với các trường chỉ chuyên sâu về 1 lĩnh vực và tương tự như vậy các trường “nghèo” sẽ khó so sánh với những trường “giàu”, liên tục nhận các khoản viện trợ.

Những lý lẽ này cũng không phải không có lý. Thực tế khi so sánh thu nhập của những sinh viên tốt nghiệp đại học với những người không có bằng cấp, PayScale chưa tính toán đến việc một số lượng lớn người không thể đủ trình độ đi học đại học chứ không phải cố tình như vậy.

Nếu như thế, một vài nhân tài sau khi tốt nghiệp đại học có thể kiếm được nhiều tiền hơn là nhờ họ thông minh hơn những người còn lại.

Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là chi phí cho việc học đại học của mỗi sinh viên tại Mỹ đã tăng mạnh, gấp 5 lần (tính theo lạm phát) kể từ năm 1983. Trong khi đó, mức lương của các sinh viên tốt nghiệp ra trường lại gần như không đổi trong nhiều thập kỷ nay.

Nợ sinh viên đã tăng lên chóng mặt khiến rất nhiều bạn trẻ không thể mua nhà, khởi nghiệp kinh doanh hay thậm chí là có con. Những người vay tiền để học đại học vào năm 2012 phải gánh khoản nợ trung bình lên tới 29.400 USD.

Nhìn chung một sinh viên tốt nghiệp ra trường theo đúng tiến độ có thể trả hết khoản nợ tiền học trong vòng 20 năm sau đó, nhưng vẫn còn một số trường hợp ngoại lệ. Gần 1/3 trong số sinh viên vay tiền học nhưng sau đó họ lại bỏ học giữa chừng và vẫn phải trả nợ. 1/3 chuyển trường. Số khác lại kéo dài thời gian học đến hơn 4 năm và chi phí tiếp tục đội lên.

Chưa kể đến thị trường việc làm không ổn định. Báo cáo của McKinsey nói rằng 42% trong số những sinh viên tốt nghiệp gần đây phải chấp nhận công việc có yêu cầu thấp hơn so với trình độ 4 năm học đại học. Khoảng 41% những sinh viên tốt nghiệp từ trường top đầu không thể tìm được việc trong lĩnh vực mà mình học và một nửa trong số đó nói họ sẽ chọn một ngành hoặc trường học khác.

Cuối cùng, Chegg – một công ty dịch vụ trực tuyến dành cho sinh viên đã công bố một nghiên cứu đáng suy ngẫm. Theo đó chỉ 50% số sinh viên tốt nghiệp cảm thấy đã đủ kiến thức để làm công việc trong lĩnh vực mà họ theo học và 39% nhà tuyển dụng cảm thấy những sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn chưa đủ kỹ năng đáp ứng công việc.

Vì những lý do như kể trên nên nghiên cứu của PayScale giúp những bạn chuẩn bị trở thành sinh viên hay cha mẹ của họ có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn hơn trong việc chọn lựa ngành học, trường học hay thậm chí là có nên đi học đại học hay không.

Theo Trí Thức Trẻ/The Economist