Làm việc ở nhà có thể nói là một trong những lợi thế mà không phải nhiều người sở hữu thế nhưng việc được sếp chấp thuận làm việc tại nhà lại không phải điều dễ dàng.
Trên thực tế, một cuộc khảo sát gần đây còn cho thấy những nhân viên giàu sức sáng tạo nhất đều được tạo điều kiện để làm việc ở cả trong và ngoài văn phòng. Cụ thể, họ chỉ dành 80% thời gian làm việc trong văn phòng (tương đương 4 ngày/tuần).
Nhưng không phải mọi công ty – hoặc mọi chủ doanh nghiệp – đều cho phép nhân viên làm việc từ xa.
Tất nhiên là khả năng làm việc từ xa của bạn phụ thuộc vào vị trí mà bạn nắm giữ. Nhưng nếu bạn có lý do để tin rằng năng suất lao động của mình sẽ tăng đáng kể nếu đôi khi được thoát khỏi những bức tường hạn hẹp trong văn phòng, thì điều đó đáng để nêu vấn đề ra với cấp trên của bạn.
Ramit Sethi, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “I Will Teach You To Be Rich”, gần đây đã đưa ra một vài chỉ dẫn đối với những người muốn làm việc từ nhà, trong đó ông có nêu ra các bước để thuyết phục cấp trên của bạn đồng ý cho bạn làm việc từ xa.
Cụ thể hơn, Sethi khuyên bạn nên chờ cho đến khi nhận được một bản đánh giá năng lực đầy tích cực rồi hẵng đưa ra đề xuất.
• Agree (Đồng ý)
• Reframe as opportunity (Tái dựng cơ hội)
• Make your case (Đưa ra đề xuất)
• Shut up after asking (Im lặng sau khi đề xuất)
Trong hướng dẫn này, Sethi cũng đính kèm một văn bản là nội dung thư gửi đến cho cấp trên của bạn, áp dụng các bước cụ thể như trên.
Văn bản này như sau:
Tôi biết là [tên công ty bạn] chưa từng có tiền lệ này. (Đồng ý)
Nhưng đây có thể là một cơ hội tuyệt vời cho tất cả mọi người. Chúng ta có đủ công nghệ để biến điều này trở thành hiện thực. Nếu việc đó tỏ ra hiệu quả, chúng ta có thể tìm kiếm được những ứng viên ở những nơi khác cho vị trí […] mà chúng ta vẫn tìm kiếm bấy lâu nay. (Tái dựng cơ hội)
Và với khả năng của tôi ở đây, việc thử nghiệm chỉ riêng với tôi sẽ mang lại rất ít rủi ro. Nếu việc này không thành công, tôi sẽ quay lại hình thức làm việc như cũ. (Đưa ra đề xuất)
Vậy ông/bà nghĩ sao về chuyện này? (Im lặng sau khi đề xuất)
Theo Sethi, gần như chắc chắn cấp trên của bạn sẽ nói điều gì đó kiểu như, “Để tôi suy nghĩ thêm và sẽ trả lời sau nhé”.
Nếu cấp trên chấp thuận đề nghị của bạn, Sethi khuyên rằng bạn vẫn cần phải chứng minh năng lực của mình vào thời điểm này. Nếu thử nghiệm làm việc từ xa có hiệu quả, họ có thể chấp nhận cho bạn làm việc ở nhà định kỳ và dài hạn.
Theo Trí Thức Trẻ/B.I