20 năm nữa Robot may vá sẽ đe dọa việc làm của người lao động?

Trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc.


Ảnh minh họa

Nếu không kịp thời trang bị thêm kỹ năng, kiến thức, nhiều công nhân sẽ có nguy cơ thất nghiệp vì robot. Trong ảnh: công nhân tại một xưởng may ở tỉnh Bình Dương – Ảnh: HỮU KHOA

Đó là kết quả của một nghiên cứu do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố mới đây. Nghiên cứu của ILO chỉ ra riêng dệt may, da giày hiện đang là các ngành thâm dụng lao động nhiều nhất tại các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Campuchia, trong đó 86% công nhân ngành dệt may của Việt Nam, 64% của Indonesia và 88% công nhân của Campuchia sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm của xu hướng tự động hóa.

“Nhà máy siêu tốc độ”

Báo Guardian của Anh cho hay dù sewbots (từ ghép giữa sewing và robot, có nghĩa robot may vá) vẫn chưa xuất hiện ở những nhà máy may mặc tại châu Á nhưng nó đang và sẽ có mặt tại các thị trường châu Âu và Mỹ.

Guardian dẫn thông tin từ Adidas xác nhận một nhà máy của hãng này ở Đức sẽ bắt đầu dùng robot sản xuất giày vào năm 2017.

Theo đó, “nhà máy siêu tốc độ” này sẽ chỉ thuê 160 công nhân. Adidas cũng lên kế hoạch sử dụng robot tại một nhà máy ở Mỹ trong thời gian tới.

Thông thường, để sản xuất một đôi giày Adidas mất 18 tháng từ việc ra ý tưởng đến khi đưa ra kệ bán hàng.

Với việc sử dụng robot, Adidas đặt ra mục tiêu cắt giảm công đoạn này còn chỉ 5 giờ, trong đó khách hàng có thể tự thiết kế đơn đặt hàng của mình.

“Mục tiêu của chúng tôi là phi tập trung hóa sản xuất và thành lập một mạng lưới toàn cầu những nhà máy siêu tốc độ ở gần hơn với khách hàng” – Katja Schreiber, người phát ngôn của Adidas, khẳng định.

ILO đang thúc giục các quốc gia ASEAN bắt đầu có những giải pháp ngăn chặn. Jae Hee Chang, đồng tác giả báo cáo của ILO, cho rằng các công ty đang bị quyến rũ bởi các công nghệ tự động vì có giá thành và chất lượng cạnh tranh hơn, đồng thời giúp giảm thiểu các nguy cơ tai nạn lao động.

“Theo một kịch bản tốt nhất, robot có thể đảm nhiệm những công việc lặp đi lặp lại, không cần kinh nghiệm trong việc sản xuất quần áo.

Robot cũng có thể được cho là đảm nhận những nhiệm vụ nguy hiểm như pha trộn chất hóa học, được xem là gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của công nhân” – bà Chang nói.

Theo bà Jae Hee Chang, có thể tránh viễn cảnh thất nghiệp quy mô lớn đối với các công nhân nếu như các nhà máy may mặc ở ASEAN thay đổi mô hình “hướng đến xuất khẩu” hiện nay sang tập trung vào các mặt hàng phục vụ tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở ASEAN.

“Có nghiên cứu cho thấy người dân trong khu vực ASEAN yêu thích nhãn hiệu trong nước hơn. Đây là cơ hội cho các công ty sản xuất quần áo giảm sản xuất những loại quần áo có giá trị cao hơn, và cần những lao động có tay nghề cao và kinh nghiệm. Các công nghệ tự động sẽ rất khó thay thế quy trình sản xuất những mặt hàng này” – bà Chang chỉ ra.

Tuy nhiên, theo bà, để sản xuất những loại quần áo có giá trị tăng cao hơn đồng nghĩa chính phủ và doanh nghiệp ở nước đó phải đầu tư lớn hơn vào việc đào tạo công nhân.

Báo cáo của ILO cũng đề xuất lực lượng lao động ở khối ASEAN nên được huấn luyện nhiều kỹ năng hơn sẽ cho phép họ thích nghi với những môi trường làm việc khác nhau và có thể tiếp thu những công nghệ mới để làm việc cùng với những loại máy móc số hóa.

Việt Nam ứng phó 
ra sao?
Nhận định với Tuổi Trẻ về nghiên cứu của ILO, bà Nguyễn Thị Hải Vân – cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – thương binh và xã hội – cho biết đây là nhận định có cơ sở bởi vì tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh là một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của chính các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa các chi phí đầu vào, trong đó có chi phí về nhân công, qua đó góp phần tăng năng suất lao động.

“Nhận định này của ILO là một tín hiệu cảnh báo đối với các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, về việc chúng ta không thể duy trì mãi lợi thế công nhân giá rẻ hay các ngành sản xuất thâm dụng lao động, cần phải có chiến lược phát triển kinh tế – xã hội dựa trên nền sản xuất với công nghệ hiện đại, đồng thời chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, năng động, linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với những biến động của thị trường lao động” – bà Vân nói.

Dù tỏ ra lo lắng nhưng bà Vân cho rằng ngành dệt may vẫn cần những bàn tay khéo léo của người lao động và điều này robot không thể thay thế.

“Đánh giá của các chuyên gia trong ngành dệt may, chúng ta thấy rằng ngành dệt có thể tự động hóa tối đa nhưng may mặc, do nhu cầu phong phú, đa dạng về thiết kế, kiểu dáng nên các sản phẩm may vẫn cần đến bàn tay cần mẫn và khối óc sáng tạo của đội ngũ công nhân lành nghề” – bà Vân nhận định.

Về giải pháp của Bộ Lao động – thương binh và xã hội, bà Vân cho biết Cục Việc làm đề ra hai giải pháp tổng thể nhằm ngăn viễn cảnh robot “giành lấy” việc làm của người lao động Việt Nam.

Đầu tiên là tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao thay vì các sản phẩm, các ngành sản xuất thâm dụng lao động.

Kế đến là chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nơi thu hút phần lớn lực lượng lao động hỗ trợ các ngành sản xuất chính, nơi công nghệ sản xuất được tự động hóa ngày càng cao.

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề

Bà Nguyễn Thị Hải Vân cho rằng người lao động cần vừa học vừa làm để không ngừng nâng cao trình độ năng lực về chuyên môn, ngoại ngữ; giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mới của công việc và của người sử dụng lao động; rèn luyện tác phong làm việc, sẵn sàng thích ứng với môi trường làm việc mới, có thể làm việc độc lập, làm việc nhóm hay làm việc với robot…

Ngoài ra, người lao động cần phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp để có thể tự tạo việc làm cho bản thân, cho người khác và cho xã hội.

3 giải pháp cho Việt Nam

Đánh giá về nghiên cứu của ILO, TS Võ Trí Thành – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – cho rằng câu chuyện này nên nhìn lớn hơn tức là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn thế giới, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đang thật sự là mối đe dọa cho ngành sản xuất, đặc biệt là những lao động kỹ năng thấp.

Tuy nhiên, theo TS Thành, trong thách thức luôn có cơ hội và ông đề ra ba giải pháp cho Việt Nam.

Một là, Việt Nam cần biết những lợi thế so sánh của mình để từ đó phát huy, nhằm gia tăng năng suất của lao động.

Hai là, cải thiện hệ thống giáo dục, môi trường khoa học, thúc đẩy sáng tạo, nhất là sáng tạo trong lĩnh vực khởi nghiệp. Cuối cùng là tạo ra những thể chế, chính sách thích hợp hơn.

Theo Tuổi trẻ