Hơn nửa chặng đường của năm 2016 đã qua, đây có lẽ là thời điểm doanh nghiệp “chốt sổ” để chuẩn bị cho những kế hoạch kinh doanh cho năm sau. Những dự báo về ngành cung ứng và mua hàng năm 2017 của Công ty tư vấn quản lý chuỗi cung ứng và điều hành sản xuất tại khu vực Đông Nam Á do CEL Consulting đưa ra mới đây khá hữu ích để doanh nghiệp ngành này có những bước chuẩn bị phù hợp.
1. Kinh tế vẫn chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ
Năm 2017 vẫn chưa phải là thời điểm kết thúc tình trạng khó khăn của nền kinh tế vĩ mô. Chúng ta chỉ có thể hy vọng nền kinh tế khởi sắc thật sự vào năm 2018 hoặc xa hơn. Vì vậy, doanh nghiệp không nên kỳ vọng sẽ có mức doanh thu tăng vọt.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng hằng năm dù ít ỏi nhưng vẫn giúp giữ giá và lãi suất ở mức tương đối thấp. Doanh nghiệp nên lập kế hoạch mua hàng với số lượng hạn chế từ lúc này.
2. Quan tâm đến các quy định về môi trường và tầm quan trọng của phát triển bền vững
Những lo ngại về môi trường, việc giảm chất thải, ô nhiễm, và sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên không thể tái tạo (các nhiên liệu hóa thạch) sẽ khiến cho nhu cầu về các sản phẩm và quy trình mua hàng mang tính bền vững tăng lên.
Theo đó, pháp luật ngày càng trở nên nghiêm ngặt về vấn đề môi trường đồng thời tâm lý và hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng lựa chọn những thương hiệu có ý thức bảo vệ môi trường. Các chuyên gia mua hàng và các nhà nhập khẩu ở các nước cũng sẽ có xu hướng làm việc với các nhà cung cấp có quy trình hướng đến bảo vệ môi trường, mua các sản phẩm có tính bền vững.
3. Kỳ vọng chuyển biến ở các thị trường mới nổi
Trong vài thập niên qua, châu Á và châu Mỹ Latinh trở thành nguồn cung lao động sản xuất giá rẻ. Tuy nhiên, các thị trường này đang nổi lên bằng chính phần thu nhập sau thuế và quyết tâm sở hữu các công ty mà họ đang phục vụ thay vì làm việc với tư cách là lực lượng lao động giá rẻ để kiếm lợi nhuận cho các nước khác.
Khi Trung Quốc và các quốc gia khác thay đổi vai trò của mình trong lực lượng lao động và nền kinh tế toàn cầu sẽ tạo ra một vài biến động trên thị trường, chẳng hạn như tại các nước mới nổi sẽ xuất hiện những nhà cung cấp mới do chính các quốc gia này sở hữu và vận hành.
4. Nhiều chuyên gia mua hàng sẽ trông đợi việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu
Từ sau khi hệ thống sản xuất tức thời (Just-in-time manufacturing – JIT) thành công ở hãng Toyota Motor (Nhật) trong việc loại bỏ sự lãng phí và kém hiệu quả khỏi quá trình sản xuất, phương pháp này đã trở thành một xu hướng mua sắm theo nhu cầu tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Chiến lược JIT được hiểu là sản xuất đúng sản phẩm với đúng số lượng tại đúng nơi và vào đúng thời điểm. Trong sản xuất hay dịch vụ, mỗi công đoạn của quy trình sản xuất ra một số lượng đúng bằng số lượng mà công đoạn sản xuất tiếp theo cần tới, không tạo ra sản phẩm dư thừa, tồn kho.
Hầu hết hệ thống JIT cũng mở rộng về phía người bán, người bán được yêu cầu giao hàng hóa có chất lượng cao, các lô hàng nhỏ và thời điểm giao hàng tương đối chính xác.
JIT hướng về sự cải tiến liên tục trong hệ thống như: giảm lượng tồn kho, giảm chi phí lắp đặt, giảm thời gian sản xuất, cải tiến chất lượng, tăng năng suất, cắt giảm lãng phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
5. Phân tích dữ liệu đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc mua hàng
Nếu doanh nghiệp nào chưa áp dụng Big Data thì nên cập nhật ngay lúc này. Big Data là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và rất phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể nào đảm đương được.
Tuy nhiên, hệ thống này lại chứa trong mình rất nhiều thông tin quý giá mà nếu trích xuất thành công, nó sẽ giúp rất nhiều cho việc kinh doanh, nghiên cứu khoa học, dự đoán các dịch bệnh sắp phát sinh và thậm chí là cả việc xác định điều kiện giao thông theo thời gian thực.
Big Data sẽ giúp doanh nghiệp sắp xếp hợp lý các quy trình, cải thiện quy hoạch nhu cầu, ra quyết định bằng số liệu thực tế kinh doanh thay vì bằng cảm tính như trước đây, hoặc thậm chí thuê được những nhân viên mua hàng có tay nghề tốt hơn.
6. Dữ liệu đám mây và thiết bị di động sẽ được ứng dụng rộng rãi
Điện toán đám mây sẽ ngày càng ứng dụng nhiều trong các loại hình dịch vụ cung ứng. Các ứng dụng phần mềm mua hàng sẽ triển khai trên nền dữ liệu đám mây sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, cung cấp giải pháp dễ dàng cho tất cả mọi thứ từ lưu trữ dữ liệu đến quá trình tiến hành hay việc ứng dụng các quy trình đã được chuẩn hóa.
Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong mua hàng trên điện toán đám mây đang thực sự trở thành lựa chọn tốt hơn trong việc bảo vệ dữ liệu nhạy cảm so với việc hầu hết các công ty tự quản lý dữ liệu của chính mình.
Một yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển của điện toán đám mây là điện thoại di động. Theo các chuyên gia mua sắm, khách hàng, nhà cung cấp đều có xu hướng sử dụng điện thoại di động nhiều hơn. Vì vậy, dữ liệu đám mây trở thành công cụ cung cấp dịch vụ truy cập qua điện thoại an toàn, bảo đảm và liền mạch.
7. Thuê ngoài đang trở thành xu thế
Xu hướng tự thực hiện các dịch vụ, giảm bớt các dịch vụ thuê ngoài do các bên thứ ba cung cấp phổ biến trong nhiều năm qua đã không còn phù hợp với giai đoạn này.
Việc thuê ngoài cho phép các doanh nghiệp có được dịch vụ chuyên nghiệp với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với việc duy trì một đội ngũ nhân viên trong công ty. Ngành mua hàng cũng sẽ phát triển theo xu hướng thuê ngoài khi các công ty lựa chọn các bên khác thực hiện mua hàng cho mình.
8. Công nghệ mới sẽ thay đổi thị trường liên tục
Công nghệ mới ra đời liên tục đã làm cho thị trường biến động không ngừng. Doanh nghiệp thời hội nhập cần ý thức tầm quan trọng của công nghệ mới, nhất là các thiết bị kết nối internet tham gia vào các ngành công nghiệp khác nhau.
Chúng ta nên tìm hiểu về mức độ các thiết bị kết nối internet phù hợp với chiến lược và kế hoạch kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp, từ đó tạo ra các thiết bị có khả năng đánh bại các đối thủ cạnh tranh. Và công nghệ mới phải cập nhật liên tục để không bị lạc hậu so với thị trường.
Theo DNSG