Theo đại diện nhiều trường, việc Bộ GD&ĐT chủ trương sửa đổi, bổ sung Thông tư nếu theo hướng bám sát hơn với thực tế GD, linh hoạt theo đặc thù từng địa phương, sẽ phát huy được hết tính tích cực, tính ưu việt của Thông tư.
Nhiều kinh nghiệm được sẻ chia
Thầy Trần Trọng Khiêm – Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú – chia sẻ: Ban đầu khi áp dụng Thông tư 30, phụ huynh HS và cả các giáo viên tiểu học cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhưng qua một thời gian ngắn, khi các trường đã thực hiện rất tốt, phụ huynh HS ai nấy đều đồng lòng.
Tại quận Tân Phú, ngay khi áp dụng đánh giá HS theo Thông tư 30, ngoài việc tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên, khi quan sát thấy một số giáo viên gặp khó khăn bước đầu trong nhận xét, đánh giá, Phòng GD&ĐT quận đã thành lập các Tổ, gọi là Tổ tư vấn để hỗ trợ các giáo viên theo từng lớp (tổ lớp 1, lớp 2…) và Tổ tư vấn theo từng môn học (môn Tiếng Anh, môn Mĩ thuật…) và nhất là lập hòm thư để tất cả các giáo viên có những băn khoăn, những góp ý, trao đổi, những câu hỏi nào liên quan đến nhận xét HS gửi về cho phòng.
Tất cả các ý kiến của từng giáo viên, từng trường được các Tổ tư vấn giải đáp một cách thấu đáo ngay từ những ngày đầu triển khai. Vì vậy, “các giáo viên tiểu học trên địa bàn quận, chỉ một thời gian đầu là đã quen với công việc đánh giá mới và làm một cách thuần thục, bài bản, sáng tạo”.
Theo thầy Khiêm, ngoài bản thân các thầy cô giáo có tầm và tâm trong thực hiện Thông tư 30 thì vai trò của người lãnh đạo cũng là yếu tố quan trọng không kém. Bởi người lãnh đạo hiểu rõ, hiểu được tính đúng đắn, tính nhân văn, tính xu thế thời đại, tinh thần của đổi mới giáo dục thì khi triển khai xuống dưới mọi thứ sẽ dễ dàng.
“Sẽ không còn một giáo viên với những lời nhận xét cứng nhắc, rập khuôn như truyền thông nêu ra nếu như người lãnh đạo thực sự sâu sát và nắm rõ vấn đề, không gây áp lực và kiểm tra giáo viên trong thực hiện theo Thông tư 30 một cách máy móc, rập khuôn” – Thầy Khiêm nhấn mạnh.
Không chỉ riêng quận Tân Phú mà các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đều thực hiện rất hiệu quả Thông tư 30. Bởi dù sĩ số HS tiểu học của TPHCM vẫn còn cao (bình quân trên 40 HS/lớp), nhưng với những cách làm sáng tạo của từng trường và được sự “tháo gỡ” kịp thời khi gặp vướng mắc trong thực hiện Thông tư 30 của Sở GD&ĐT.
Trong thời gian đầu thực hiện, có những ý kiến liên quan đến sổ sách giáo viên quá nhiều, Sở GD&ĐT TPHCM đã nghiên cứu và tìm cách hỗ trợ các giáo viên. Từ năm học 2015 – 2016, Sở chỉ đạo, khuyến khích các trường ứng dụng CNTT trong việc thực hiện đánh giá bằng việc sử dụng phần mềm để thực hiện nhận xét đánh giá HS trên cổng thông tin điện tử.
Khi giáo viên đánh giá nhận xét trên cổng thông tin điện tử, phụ huynh sẽ được cung cấp một mã kí tự và có thể thường xuyên theo dõi tình hình học tập của con em mình bằng cách nhập mã vào để xem.
“Điều này rất tiện cho cả phụ huynh, lẫn giáo viên. Giáo viên thôi không còn ôm sổ sách nhiều để phê, để đánh giá, tất cả đều trên Internet rất tiện và gọn nhẹ. Theo đó, cuối học kỳ giáo viên sẽ in ra và gửi cho các bậc phụ huynh” – Thầy Bùi Trọng Phi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh) cho hay.
Để Thông tư phù hợp hơn với từng địa phương
Liên quan đến những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 30, NGƯT Võ Ngọc Thu – Nguyên Trưởng phòng GD&ĐT quận 5 – đánh giá:
Tôi thực sự tán thành ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đó chính là cần điều chỉnh để Thông tư 30 bám sát với thực tế hơn, phù hợp với từng nơi hơn.
Điều này cho thấy Bộ trưởng rất quan tâm và đã lắng nghe những ý kiến của giáo viên, của dư luận trong thời gian qua. 2 năm thực hiện Thông tư 30, chúng ta thấy phụ huynh đã đồng tình và ủng hộ bởi HS không còn áp lực về điểm số, thoải mái trong học tập, các em được đánh giá về mọi mặt để tiến bộ qua từng tuần, từng tháng.
Với kinh nghiệm của mình trong quản lý, NGƯT Võ Ngọc Thu góp ý: Tại TPHCM, để Thông tư 30 có hiệu quả hơn nữa, cần thiết phải giảm sĩ số. Bởi nếu một lớp học 50 em, thì để một giáo viên đi sâu, đi sát và tâm huyết với từng em như phụ huynh vẫn mong muốn quả là hơi áp lực.
Thêm vào đó, ở một số địa phương chưa thực hiện sổ liên lạc điện tử để đánh giá HS theo định kỳ, nếu được giảm bớt sổ sách cho giáo viên, giảm bớt việc giáo viên phải ghi chép với nhiều loại sổ trong khi đó nội dung ghi chép lại tương tự ở các sổ.
Đặc biệt, NGƯT Võ Ngọc Thu nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT có thể xem xét về việc ra đề trong đánh giá cho điểm cuối học kỳ, nhất là với HS khối 5. Trong kiểm tra đánh giá của HS lớp 5 nên để cho Phòng GD&ĐT, hoặc Sở ra đề.
Việc này đảm bảo tính tổng quát, để nắm được tình hình chung về chất lượng giáo dục trên địa bàn hơn là giao cho các trường tự ra đề.
Ở các lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 để Ban Giám hiệu ra đề thay vì các giáo viên từng lớp ra đề sẽ đảm bảo tính khách quan trong đánh giá chất lượng giáo dục.
Trao đổi với chúng tôi, cán bộ quản lý một số cơ sở GD&ĐT tại TPHCM chia sẻ quan điểm ủng hộ tinh thần sửa đổi, bổ sung Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, đồng thời kiến nghị cần làm sớm để có thể triển khai ngay từ năm học 2016 – 2017.
Theo các thầy cô, việc sửa đổi, điều chỉnh để Thông tư có thể linh hoạt theo đặc thù từng địa phương là điều rất quan trọng. Bởi ở mỗi nơi sẽ khác nhau về điều kiện phát triển giáo dục, cách thực hiện chắc chắn sẽ có những khác nhau. Quy định là chung nhưng Bộ GD&ĐT có thể giao cho từng Sở GD&ĐT cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện địa phương.
Theo Giáo dục và Thời đại