Ghi nhận của PV tại một số địa phương trong ngày 19/8, căn cứ trên điều kiện cơ sở vật chất, một số địa phương năm nay chưa mở rộng triển khai mô hình trường học mới (VNEN). Một số địa phương khác, ngay từ đầu năm học cũng đã chủ động lấy ý kiến của phụ huynh và học sinh về mô hình này.
Theo văn bản mới nhất vào tối 18/8 của Bộ GD&ĐT gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm học 2016-2017, Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai VNEN tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.
Như vậy, trong năm học mới này, các địa phương có thể chủ động căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất để cân nhắc có thể áp dụng hoặc tiếp tục mở rộng chương trình VNEN hay không.
Ghi nhận của PV Dân trí tại một số địa phương trong ngày 19/8, nhiều đơn vị đã cập nhật được văn bản chỉ đạo mới này của Bộ GD&ĐT. Theo đó, căn cứ trên điều kiện cơ sở vật chất, một số địa phương chưa mở rộng triển khai trên địa bàn. Một số địa phương khác, ngay từ đầu năm học cũng đã chủ động lấy ý kiến của phụ huynh và học sinh về mô hình này để có cách thức triển khai phù hợp.
Chia sẻ với PV Dân trí, bà Trần Minh Thủy, Phó Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, Phòng đã cập nhật được văn bản mới của Bộ GD&ĐT. Theo đó, năm học mới này, toàn quận Thanh Xuân chỉ có hai lớp 3, với 89 học sinh ở Trường tiểu học Hạ Đình vẫn duy trì VNEN.
“Xét trên cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn quận, năm học mới sẽ không có trường nào tiếp tục áp dụng mô hình VNEN”, bà Thủy cho biết.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh) cho biết, năm học 2015- 2016, toàn thành phố có 62 trường trên địa bàn áp dụng chương trình VNEN. Sang năm học 2016- 2017, chỉ thêm 3 trường đăng kí, tức có 65 trường áp dụng.
Ông Lý Thanh Tú, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cũng cho hay, dù trước đó chưa có văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT nhưng nhận thấy mô hình trường học mới VNEN có những mặt tốt nên Sở đã chủ động lấy ý kiến của giáo viên và phụ huynh học sinh về áp dụng mô hình này. Đồng thời, để các trường tự nguyện đăng kí trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh ngay từ đầu năm học mới.
Về cơ bản, phụ huynh và học sinh không có phản đối nhưng xét thấy cơ sở vật chất nhà trường chưa đủ điều kiện: Chưa có phòng học rộng; Bàn học đang là bàn đơn nhỏ, chưa có bàn kép… nên theo ông Tú, năm học mới này, không có thêm trường tiểu học nào áp dụng VNEN. Duy chỉ có ở cấp 2, năm ngoái có thêm một số trường mới và duy trì cho các em trong suốt các cấp học.
“Ép triển khai, hiệu quả thấp”
Đó là ý kiến của ông Lý Thanh Tú khi đánh giá triển khai về mô hình giáo dục VNEN. Theo ông Tú, khi một chủ trương mới được áp dụng, việc có ý kiến nhiều chiều là đương nhiên. Hiện có ý kiến tán đồng, có người không nhưng theo ông, một phần do ngành giáo dục chưa làm tốt công tác tuyên truyền. Chưa tuyên truyền được cái hay, cái dở cho phụ huynh học sinh.
Bản thân giáo viên cũng ngại khó, phải chuẩn bị nhiều thứ hơn, phải đi tập huấn, phải nghiên cứu… nên nhiều người “bàn lùi” và khi áp dụng dạy học dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Vì vậy, ông Tú cho rằng, nên lấy ý kiến của đội ngũ giáo viên, nhà trường và phụ huynh học sinh để chắt lọc những gì tinh hoa nhất của mô hình này và áp dụng. Với những trường chưa đủ điều kiện thì nên dừng vì nếu ép triển khai, sẽ hiệu quả thấp.
Đánh giá chung về hiệu quả của VNEN tại một hội thảo, ông Phạm Ngọc Định (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – Giám đốc Dự án) cho biết, mô hình VNEN tạo sự đổi mới về hoạt động dạy và học, chuyển đổi vai trò của người thầy từ truyền thụ tri thức sang hướng dẫn tổ chức học sinh thực hiện. Đối với học sinh, từ vai trò thụ động, nghe giảng, chép bài và phát biểu ý kiến đã chuyển sang vai trò chủ động, tự hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức.
Về tổ chức lớp học, mô hình trường học mới đã thay đổi các hoạt động sư phạm của nhà trường theo hướng tự giác, tự quản. Việc đánh giá học sinh cũng thay đổi theo nguyên tắc vì sự tiến bộ, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh…
Tuy nhiên, theo một số địa phương, mô hình còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập. Việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông… dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Trong trả lời báo chí gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, VNEN là mô hình tốt nhưng khi áp dụng vào từng nơi phải phù hợp. Một số địa phương có ý bỏ VNEN nhưng quan điểm của Bộ là sẽ tiếp tục thực hiện VNEN.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không ép buộc mà các địa phương mà có thể áp dụng một phần. “Bất kỳ mô hình mới nào cũng phải có sự chuẩn bị về tư tưởng, tâm thế, cơ sở vật chất, chuyên môn, nghiệp vụ. Cái mới nào cũng phải có lộ trình, cứ làm tốt sẽ có người theo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Dự án mô hình VNEN thí điểm tại Việt Nam từ năm học 2012 – 2013, do Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên hiệp quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD, tương đương khoảng 2 tỷ đồng. Mô hình này khởi nguồn từ Colombia những năm 1995 – 2000, để dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.
Sau hơn ba năm, cả nước có 54 tỉnh, thành triển khai mô hình này với 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS tham gia. Dự án này đã kết thúc ngày 31/5/2016 và ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường để triển khai.
Theo Dân trí