Sản phẩm mới, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nhưng rồi vẫn phải đóng cửa. Tại sao? Câu trả lời nằm ở việc đưa thông tin sản phẩm tới người dùng còn nhiều hạn chế trong khi nguồn vốn hạn hẹp không thể nuôi sống được doanh nghiệp trong khoảng thời gian đầu.
Khó khăn cả ở hai mặt trận truyền thống và số hoá
Một câu hỏi đơn giản được đặt ra: “Bạn làm gì để có thể tiếp cận người tiêu dùng?” Đa phần câu trả lời nhận được là thông qua Facebook.
Không thể phủ nhận sức mạnh của mạng xã hội trong thời buổi thông tin số phát triển áp đảo như hiện nay. Nhưng giữa một rừng các fanpage mọc lên hàng ngày, việc định hình được hình ảnh riêng cho page đã khó, việc chạy quảng cáo cho trang cũng tiêu tốn một số tiền không hề ít. Trong khi đó, thời gian trung bình của một fanpage hoạt động ổn định cũng mất khoảng 6 tháng đến 1 năm hoặc hơn nữa. Như vậy, thoạt nhìn thì dễ nhưng lại chẳng dễ chút nào khi bắt tay vào thực hiện.
Mặt khác, tâm lý khách hàng cũng khá dè dặt khi mua hàng trực tuyến do không thể trải nghiệm sản phẩm trực tiếp. Điều này ảnh hưởng không ít tới những doanh nghiệp khởi nghiệp không có nhiều vốn để đầu tư vào cửa hàng.
Vậy những công cụ marketing truyền thống thì sao? Lại tiếp tục một bài toán về nguồn lực nhân sự và vốn được đặt ra. Chi phí cho các phương tiện truyền thông đại chúng (truyền hình, radio, báo, đài,…) lớn hơn rất nhiều lần chi phí trực tuyến. Bên cạnh đó, việc bị giới hạn thời gian địa điểm làm ảnh hưởng đến việc chọn khách hàng mục tiêu, thu thập phản hồi thông tin cũng như lưu trữ thông tin khách hàng.
Quá nhiều khó khăn cần giải quyết, vậy đâu là đòn bẩy cho các đơn vị khởi nghiệp bật lên trên thị trường?
Theo Trí Thức Trẻ