Lãnh đạo doanh nghiệp (DN) phải có kiến thức tổng quát về pháp lý là điều bắt buộc, tuy nhiên, cấp quản lý và nhân viên cũng cần được học luật vì họ là người “va chạm” với công việc hằng ngày nên sẽ biết các “lỗ hổng” của DN ở đâu.
Với các chủ DN thì “đồng tiền đi liền khúc ruột”, thiệt hại tài chính luôn là vấn đề cần loại bỏ. Thiệt hại từ tranh chấp pháp lý không chỉ gây tổn thất tài chính mà có thể dẫn đến khủng hoảng truyền thông và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của DN.
Phòng bệnh hay chữa bệnh?
Giống như con người cần khám sức khỏe định kỳ để biết được cơ thể khỏe mạnh hay ốm đau, có tiềm ẩn bệnh tật gì không, DN cũng cần kiểm tra định kỳ và có chế độ “tập luyện tốt” để phòng bệnh từ xa. Đó là chưa kể khi tập luyện có thể phát hiện ra tố chất có lợi. Ví dụ như học tập, nghiên cứu thêm về luật để tránh rủi ro, lại thấy được các cơ hội cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần. Nắm luật để giành chiến thắng trên thương trường là vậy.
Cái lợi trước mắt của việc đào tạo pháp lý nội bộ DN là tiết giảm chi phí. Khi có tranh chấp pháp lý xảy ra, thiệt hại có thể gấp nhiều lần so với chi phí đào tạo nhân viên. Quan trọng hơn, các kiến thức pháp lý được thiết kế dành cho DN có thể dùng nhiều lần trong quá trình vận hành DN.
Việc cho cấp quản lý và nhân viên tự tìm hiểu luật có hướng dẫn như vậy mang lại sự an tâm cho các nhà lãnh đạo, vì họ không thể nào biết hết các ngõ ngách, vấn đề của DN.
Liên tưởng đến câu chuyện của con tàu Titanic, dù được nhớ đến như một vị anh hùng nhưng thuyền trưởng Smith cũng có một phần trách nhiệm trong việc đắm tàu khi đã bỏ qua lời cảnh báo về băng trôi của thủy thủ phụ trách và không giảm tốc độ con tàu khi được báo tin có băng trên hải lộ.
Sai sót nhỏ ở một phòng, ban cũng có thể dẫn đến lỗi hệ thống nếu đó là sai sót về pháp lý, ký tá với đối tác. Pháp lý có thể là vấn đề cần đào tạo tương tự như đào tạo nhân viên bán hàng vậy.
“Phòng bệnh” về pháp lý có nhiều phương pháp, có thể mời luật sư có kinh nghiệm tư vấn định kỳ cho DN, cũng có thể lâu lâu luật sư đến kiểm tra hồ sơ pháp lý và hệ thống tài liệu để đảm bảo đúng luật, và cũng có thể dành ra một khoản chi phí để thực hiện các khóa đào tạo pháp lý chuyên đề cho các cấp quản lý và nhân viên.
Tổ chức đào tạo nội bộ
Nếu DN có bộ phận pháp chế, việc đào tạo này nên thuộc “bản mô tả công việc” của các vị trí trong bộ phận. Còn nếu DN chưa có bộ phận này thì phương án tốt nhất là mời chuyên gia về giảng dạy và cần lưu ý các điểm sau: chuyên gia phải là luật sư hành nghề thực tiễn trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, là người có kỹ năng truyền đạt, tạo được sức hút bởi vì luật là vấn đề khô khan, quá lý thuyết hoặc không có tính tương tác thì học viên dễ chán, bài giảng phải được thiết kế riêng cho DN, cho các phòng, ban cụ thể, dù việc đi vào chuyên đề như vậy có thể phải trả phí cho chuyên gia cao hơn, chuyên gia phải có bài tập kiểm tra nhân viên sau khi kết thúc khóa học và có báo cáo nhận định để lãnh đạo DN tham khảo, lợi ích của việc này là có thể trong quá trình giảng dạy, chuyên gia sẽ hình dung ra các “lỗ hổng”, các vấn đề của DN.
Việc đào tạo pháp lý nên hình thành theo chuỗi chương trình định kỳ và có báo cáo kết quả thực hiện. Ví dụ, DN mời luật sư đào tạo về “Pháp lý trong đàm phán, soạn thảo và ký kết hợp đồng kinh doanh”, sau khi học xong, nhân viên phải thực hành ngay việc quản lý kinh doanh, phải soạn bản hợp đồng mẫu, sau đó đưa vào áp dụng và quay lại hỏi chuyên gia ở kỳ huấn luyện kế tiếp.
Trang bị các kiến thức pháp lý là việc cần thiết nhưng cần chọn đúng quy trình đào tạo, đúng phương pháp và chuyên gia thì mới mang lại hiệu quả.
Theo DNSG