Mới đây, hãng dụng cụ và trang phục thể thao Nike tuyên bố sẽ chuyển một số bộ phận sản xuất giày trở về Mỹ, nhân dịp Tổng thống Obama thăm đại bản doanh của hãng này tại Beaverton, bang Oregon.
Theo Portland Business Journal, trong tương lai gần Nike sẽ tự động hoá nhiều bộ phận trong sản xuất. Hãng này thậm chí đã xin bản quyền sáng chế cho ý tưởng nhà máy sản xuất giày gần như hoàn toàn tự động, sẽ hoạt động tại thành phố Atlanta vào năm 2017.
Ngày 18/8, Nike đã ký hợp tác với công ty Apollo Global Management để hoàn thiện chuỗi cung ứng của Nike ngay tại Mỹ. Apollo Global Management sẽ là đối tác chính giúp Nike hoàn thiện nhà máy tự động của mình. Đối thủ truyền kiếp của Nike là Adidas thậm chí đã hoàn thiện nhà máy sản xuất giày hoàn toàn bằng robot mang tên Speedfactory đầu tiên tại thành phố Ansbach, Đức.
Trong lĩnh công nghệ thông tin, nơi sử dụng nhân công tay nghề thấp, số lượng lớn không thua ngành da giày và may mặc cũng đã chứng kiến một cuộc cách mạng của nhân công robot. Hãng Foxconn, nhà sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu Trung Quốc đã sa thải 60.000 nhân viên sản xuất linh kiện điện thoại và thay bằng một hệ thống robot mới.
Khoảng 100 triệu công nhân Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp bởi giá nhân công tại nước này tăng, và việc sử dụng robot trong sản xuất thậm chí còn rẻ hơn việc thuê những công nhân với chi phí thuộc hàng rẻ nhất thế giới tại những nước như: Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Việc hàng triệu lao động Việt Nam thất nghiệp bởi sự cạnh tranh của robot trong những năm tới là nguy cơ lớn với ngành sản xuất linh kiện, may mặc và da giày vì đây đều là các ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, sáu tháng đầu năm, chỉ ba nhóm hàng này đã chiếm 40% giá trị trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh – Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam, công nghệ sản xuất tự động còn khá mới, và có thể chỉ có ưu thế trong sản xuất giày thể thao với các vật liệu vải, cao su. Đối với giày da thì còn nhiều công đoạn robot vẫn chưa làm được, nhưng ông cho rằng một khi công nghệ robot phát triển thì khả năng con người bị thay thế trong mảng giày da cũng rất cao.
“Một doanh nghiệp sản xuất da giày chịu rất nhiều chi phí như bảo hiểm y tế, phí công đoàn, tiền ăn, chỗ ở… cho người lao động. Do đó, nếu quy trình sản xuất bằng robot phát triển thì cũng không tránh khỏi cảnh doanh nghiệp sa thải bớt công nhân để tiết kiệm chi phí”, ông Khánh nói.
Nhận định về xu hướng dùng robot trong sản xuất ảnh hưởng đến lao động trong nước, ông Diệp Thành Kiệt – Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng ngành thời trang khác với ngành cơ khí, điện tử – những ngành có thể được tự động hoá 100%.
“Phần lớn chúng ta vẫn còn một cảm giác gì đó khó diễn tả, phân vân khi quyết định mua một sản phẩm thời trang được sản xuất hoàn toàn bằng máy”, ông Kiệt nói và phân tích về lợi thế trước mắt của nhân công Việt Nam: “Giá bán FOB của một đôi giày thể thao bằng vải tại Việt Nam bình quân là 10 USD một đôi. Giá bán lẻ tại nơi tiêu thụ của một thương hiệu trung cấp khoảng 50 USD mỗi đôi. Chênh lệch giữa giá FOB và giá bán lẻ bao gồm vận chuyển, thuế nhập khẩu, phí lưu kho, phân phối, phí bán lẻ… mới là khoản đáng cắt giảm. Ngoại trừ phí vận chuyển, có mức khoảng 50-60 cents mỗi đôi (từ Việt Nam vào châu Âu), tất cả các chi phí còn lại đều phát sinh tại nơi tiêu thụ”.
Theo vị Phó chủ tịch Hiệp hội da giày, với các thoả thuận thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA)… thì thuế nhập khẩu các mặt hàng da giày sẽ được cắt giảm đến mức 0%. Cho dù chi phí nhân công tăng khoảng 12% sau 10 năm nữa thì xét trên tổng thể, mức tăng đó vẫn không đáng kể so với hàng loạt ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhập khẩu.
“Xét đến cùng thì chi phí nhân công không có tác động nhiều đến giá bán của sản phẩm tại thị trường tiêu thụ, mà chính những chi phí phát sinh tại thị trường nhập khẩu mới cần cắt giảm”, ông Kiệt phân tích.
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, tự động hóa trong sản xuất thời trang đang lăm le lật đổ lợi thế cạnh tranh của những quốc gia đang phát triển sở hữu nguồn nhân công giá rẻ tại châu Á. Việt Nam đến nay vẫn tập trung xuất khẩu tài nguyên và bán sức lao động, trong khi công cuộc đổi mới sáng tạo trong sản xuất vẫn chưa có những nét phát triển rõ rệt, chưa tạo được giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Do đó, công nghiệp Việt Nam cần có một chiến lược tự động hoá ngay tại nội địa cho ngành sản xuất nói chung và da giày nói riêng vì giá nhân công Việt Nam không thể rẻ mãi.
“Về mặt tổng thể, tự động hóa sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho đất nước. Các thương hiệu quốc tế sẽ rất hài lòng khi đặt nền tảng sản xuất tại một quốc gia có nền công nghiệp tự động hóa mạnh mẽ. Nhưng song song đó, Chính phủ cũng cần có giải pháp dài hơi bảo đảm vấn đề an sinh cho người lao động khi việc làm bị cắt giảm”, ông Diệp Thành Kiệt tổng kết.
Theo VnExpress