Với một người không có thành tích xuất sắc gì trong học tập như Jack (hai lần thi trượt đại học, đến lần thứ ba mới đỗ) thì rõ ràng điều chia sẻ này của ông hoàn toàn đáng tin cậy. Chính tiếng Anh chứ không phải các kiến thức khác học ở trường (Đại học Sư phạm Hàng Châu) đã giúp ông xây dựng nên đế chế kinh doanh của mình.
Tất nhiên, nếu chúng ta muốn có được những cơ hội thực sự như Jack thì vấn đề không phải chỉ “biết tiếng Anh” là đủ mà phải “giỏi tiếng Anh”. Với kết quả thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2015, phổ điểm môn ngoại ngữ chỉ ở mức 2 – 3,5 điểm thì rõ ràng học sinh Việt Nam còn cách mức “biết tiếng Anh” khá xa, nói gì đến việc “giỏi tiếng Anh”. Chính điều này đã góp phần làm cho con em chúng ta đánh mất đi nhiều cơ hội khi đất nước hội nhập quốc tế.
Chưa có mục tiêu rõ ràng
Không thiếu phụ huynh chưa ý thức được việc cho con học tiếng Anh để làm gì và cần đạt đến trình độ nào. Việc học theo phong trào, kiểu con người ta đi học con mình cũng đi học, hay cho học để con bớt đi chơi, đỡ phải trông.. khá phổ biến. Họ hoàn toàn không có mục tiêu nào rõ ràng cho con, vì thế không quan tâm hoặc không kiểm soát được kết quả học ngoại ngữ của con mình. Nếu không chắc chắn được mục đích học tiếng Anh thì không nên cho con học, vì như vậy chỉ lãng phí tiền mà thôi.
Đặt mục tiêu quá thấp
Giai đoạn tốt nhất để học ngoại ngữ là khi còn nhỏ với giai đoạn vàng (critical period) là từ 5-6 tuổi đến trước 14 tuổi. Khác với các môn học khác có thể phải đòi hỏi tư duy, suy luận, cần đến sự trưởng thành của não bộ thì ngôn ngữ là thứ được nắm bắt một cách rất tự nhiên thông qua phản xạ hình thành bằng việc bắt chước. Đối với trẻ thì không có khái niệm “khó” hay “dễ” khi học ngoại ngữ, vì cũng như khi học tiếng mẹ đẻ, trẻ chỉ cần sử dụng bản năng bắt chước và lặp lại là đủ giỏi, miễn là có môi trường và thời gian để tiếp xúc với ngoại ngữ đủ nhiều. Lời khuyên là trong giai đoạn tiểu học, khi trẻ còn chưa phải quay cuồng với các môn phân ban, môn thi tốt nghiệp, thi đại học… chính là giai đoạn tốt nhất để rèn luyện cho các con nền tảng tiếng Anh vững chắc. Sau đó thì mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều và các năm sau trẻ có thể học tiếng Anh tự nhiên mà không cần cố gắng quá nhiều.
Đo chất lượng bằng học phí
Các phụ huynh luôn tin rằng, cho con học ở các trung tâm càng đắt tiền thì con sẽ càng giỏi. Không phải nơi nào đắt nhất sẽ tốt nhất, bởi vì học ngôn ngữ khác với việc học các kiến thức khác, học ngôn ngữ là học “thói quen” và “phản xạ”. Vì thế giáo viên là quan trọng nhất, rồi đến giáo trình, phương pháp học chứ không phải học phí là thước đo chất lượng dạy. Nơi tốt nhất là nơi làm con bạn thấy thích tiếng Anh, nói tiếng Anh nhiều hơn và không sợ hãi hay e ngại mỗi khi phải sử dụng tiếng Anh. Bố mẹ có thể kiểm chứng điều này bằng cách theo dõi và “kiểm tra” đột xuất khả năng sử dụng tiếng Anh của con mình trong những tình huống cụ thể để chấm điểm chất lượng nơi con theo học.
Theo Dân trí