Sau đây là một số chia sẻ từ giáo viên tại hệ thống giáo dục quốc tế I CAN READ – sẽ giúp quý phụ huynh có thể giúp bé khơi dậy niềm đam mê đọc sách.
Trong tiềm thức của hầu hết người Việt Nam, một lớp học gương mẫu là lớp học trong đó mỗi học sinh sẽ ngồi thật yên lặng với những cánh tay khoanh lại ngay ngắn trên bàn và chỉ phát biểu khi có sự yêu cầu từ phía thầy cô giáo. Các bé sẽ nghe theo mọi sự hướng dẫn của thầy cô đến mức tối đa.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng phù hợp với khuôn mẫu (theo tôi là máy móc) của một học sinh lý tưởng, sẽ có những bé không chịu ngồi yên một chỗ dù cho bạn có yêu cầu hay ra lệnh không biết bao nhiêu lần. Đó là một “cuộc chiến” vô ích làm cho cả bạn và bé cảm thấy mệt mỏi và bất lực.
Cá nhân tôi thì rất thích những trẻ không đi theo một khuôn mẫu nào cả và tôi cảm thấy những đứa trẻ này thường vô cùng sáng tạo nếu bạn biết cách “khai thác” năng lượng hiếu động này một cách tích cực.
Hôm nay tôi muốn giới thiệu cho các bạn một số phương pháp nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách ở những đứa trẻ hiếu động. Những bạn nhỏ ham vận động sẽ khó có thể ngồi yên một chỗ tập trung đọc sách vì cảm giác nhàm chán.
Vì vậy, hãy biến việc đọc sách trở thành một việc làm thú vị, và bắt đầu bằng việc khơi dậy niềm ham mê đọc sách của chính bạn vì đó sẽ là nền tảng hành động ảnh hưởng nhanh chóng đến con trẻ. Một vài phương pháp khác mà tôi sẽ đề cấp dưới đây cũng có thể giúp bé khơi dậy niềm vui đọc sách.
Đọc sách cùng con
Đọc sách với con của bạn chính là tận dụng khoảng thời gian quý báu để vun đắp tình cảm giữa bạn và bé. Trẻ hiếu động sẽ không thích nghe đọc sách ở những chỗ “bình thường” như trên giường hay bàn học.
Điều làm tôi nhớ nhất trong quãng thời gian thơ ấu là cảm giác được giấu mình vào một góc khuất của ngôi nhà, đắm mình trong những cuốn sách và để trí tưởng tượng thoải mái bay bổng. Hãy biến không gian đọc sách trở thành không gian thú vị nhất trong ngôi nhà của bạn chẳng hạn như mua tặng con một chiếc lều đọc sách hoặc chọn một địa điểm trong nhà, trang trí với sách và đồ chơi.
Trẻ có thể tưởng tượng đó là “cứ điểm” bí mật của tiếng mình. Điều quan trọng đó chính là bạn cần phải làm cho trẻ cảm nhận được khoảng thời gian đọc sách này thật đặc biệt và cố gắng hạn chế sự xao lãng.
Hướng sự năng động của trẻ vào những việc tích cực
Loại bỏ các hình phạt nghiêm khắc đối với sự hiếu động của trẻ, hãy chuyển những năng lượng ấy vào những hành động có mục đích hơn. Ví dụ như thay vì yêu cầu trẻ ngồi yên một chỗ, bạn hãy cho phép trẻ được tự do hành động thoải mái nhất theo những gì mình muốn hay gợi ý cho trẻ đóng vai một nhân vật trong truyện.
Hãy cho trẻ tự chọn nhân vật cho chính mình và cho cả bạn nữa. Bạn cũng có thể sử dụng các đạo cụ diễn xuất để tạo thêm niềm vui cho trẻ. Khoa học đã chỉ ra mỗi người thích ứng với cách học khác nhau, không nhất thiết cứ phải ngồi yên mới là học. Học tập trong khi vận động là một phương pháp học tập thích hợp nhất đối với những đứa trẻ hiếu động.
Đừng ép buộc, hãy khuyến khích
Điều quan trọng đối với những trẻ hiếu động là không nên ép buộc mà hãy khuyến khích con. Hãy đưa con đến hiệu sách và để cho bé chủ động chọn cuốn sách mà mình ưa thích.
Bố mẹ cũng có thể đặt ra mục tiêu đọc sách cho con và thưởng nếu bé hoàn thành. Đừng cấm trẻ đọc truyện tranh bởi vì truyện tranh mang lại niềm thích thú đối với việc đọc của trẻ và đó là tiền đề vô cùng quan trọng để xây dựng thói quen đọc sách trong tương lai.
Và cuối cùng bạn hãy nhớ rằng hiếu động là một điều tích cực và không phải lúc nào cũng đặt ra những quy tắc giới hạn đối với trẻ. Tôi biết rằng trẻ có thể có một số hành vi bốc đồng không thể bỏ qua nhưng đồng thời chúng ta cũng không muốn giới hạn trẻ trong việc bộc lộ hết vẻ đẹp về tính cách của mình.
Tôi nghĩ cách tốt nhất là chấp nhận thực tế và cố gắng chuyển hóa những năng lượng ấy trở nên thật sự hữu ích trong cả quá trình phát triển của trẻ.
Theo Dân trí