Vì sao trẻ em nghiện facebook?

‘Chúng ta không chỉ trách cứ các bạn trẻ mà cần hiểu và đồng cảm thay vì phủ nhận. Thực tế cho thấy có nhiều người lớn chưa sử dụng facebook thì làm sao hiểu được để đánh giá!?’, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.


Ảnh minh họa

* Ông có nghĩ rằng, phải chăng việc trẻ vị thành niên nghiện facebook (FB) cũng có một phần lỗi của người lớn?
– PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Đây là một câu hỏi rất thú vị. Chúng ta không chỉ trách cứ các bạn trẻ mà cần hiểu và đồng cảm thay vì phủ nhận. Thực tế cho thấy có nhiều người “lớn” hay thậm chí là những người có trách nhiệm cũng chưa sử dụng FB thì làm sao hiểu được để đánh giá?
Đó là chưa kể có một số người có mối quan hệ thân thuộc với các em cũng không sử dụng FB một cách chuẩn mực thì làm sao các em có thể tiếp cận chuẩn hành vi. Hay một số người nổi tiếng – có sức ảnh hưởng đặc biệt với các em cũng không tỉnh táo hay không cẩn trọng khi biến FB thành chiếc áo “lộ hàng”… Ở một góc độ khác, chưa có những bài nói hay những quy tắc sử dụng FB sao cho phù hợp, chưa có những tuyên truyền mang tính định hướng hành vi và định hướng văn hóa thì việc sử dụng FB rất vô tư cũng như sử dụng để rồi nghiện và có những hành vi nghiện là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Quan trọng nhất là biết được những biểu hiện cụ thể thay vì đoán mò. Với tôi, sát cánh nhưng dần điều chỉnh và định hướng lớp bạn trẻ mới là điều thật sự cần kíp và hữu ích. Và việc sử dụng FB sao cho chuẩn mực, biến Fanpage của cá nhân thành trường học hấp dẫn cũng là hướng đi mà tôi đang thử nghiệm.
Trong hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 12.10, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đã tiết lộ nhiều trẻ vị thành niên lạm dụng mạng xã hội Facebook (FB) thái quá, dẫn đến nghiện FB. 
* Vậy làm thế nào để trẻ vị thành niên có thể sử dụng FB có hiệu quả hơn cũng như hạn chế mức độ nghiện và các tác hại từ việc sử dụng FB?
– Trẻ vị thành niên cần ý thức về việc lựa chọn hoạt động giải trí lành lạnh nhất là việc lựa chọn và sử dụng FB một cách hợp lý. Từ đó, tích cực hơn trong việc tìm hiểu, nâng cao nhận thức về mạng xã hội nói chung và FB nói riêng bằng cách đọc sách báo, tham gia các buổi báo cáo chuyên đề về lợi ích và tác hại của việc sử dụng FB. Bên cạnh đó phải xác định lại nhu cầu, động cơ, sở thích và thói quen của bản thân từ đó có sự thay đổi, điều chỉnh hành vi sử dụng FB một cách phù hợp, thông minh, hiệu quả. Ngoài ra cần tìm đến sự giúp đỡ của nhà tham vấn học đường khi có vấn đề khó khăn về mặt tinh thần. Đồng thời, tuyên truyền và nhắc nhở bạn bè xung quanh về tác hại của hành vi nghiện FB.

* Chắc hẳn sẽ không thiếu sự định hướng trẻ vị thành niên trong việc sử dụng FB từ người lớn?

– Đúng là như vậy. Đối với gia đình cần quan tâm đến nhu cầu giải trí nói chung và việc sử dụng FB của con cái nói riêng. Qua đó, định hướng và nhắc nhở con cái trong việc lựa chọn loại hình giải trí lành mạnh và sử dụng FB một cách hợp lý. Ngoài ra, phụ huynh cũng thường xuyên trò chuyện với con để có thể thâm nhập vào “thế giới” của con một cách khéo léo, trao đổi với con về lợi ích và tác hại của hành vi sử dụng FB từ đó hiểu được tâm tư, tình cảm của con mình. Cũng như là cần có cách ứng xử phù hợp và các biện pháp can thiệp có hiệu quả khi con mình có hành vi nghiện FB.
Nhà trường phải tăng cường giáo dục tính hai mặt của các trang mạng xã hội, nhất là FB vì trang mạng xã hội này đang được rất nhiều trẻ sử dụng và xem đây là trang giải trí hàng đầu. Và chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của học sinh về hành vi nghiện FB thông qua việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức hội thi, bảng tin, mời báo cáo viên báo cáo chuyên đề. 
Đặc biệt nên triển khai việc nâng cao nhận thức bằng việc lồng ghép chuyên đề, nội dung vào hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Nhằm giúp các em biết được những lợi ích, tác hại, cách quản lý thời gian và thông tin cá nhân khi sử dụng FB. Ngoài ra nhà trường cần định hướng giá trị đạo đức cho học sinh, tổ chức nhiều sân chơi hướng các em vào các hoạt động giao lưu, kỹ năng sống, hoạt động nhóm đảm bảo các em có môi trường sinh hoạt, vui chơi giải trí và học tập hiệu quả.
Và các cơ quan truyền thông nên xây dựng chương trình tuyên truyền về hành vi nghiện FB đặc biệt là tác hại của nghiện FB, cách phòng tránh và biện pháp can thiệp. Cơ quan ban ngành liên quan cần tiến hành xây dựng các trung tâm cai nghiện FB với đội ngũ chuyên gia có uy tín và tìm cách hỗ trợ cai nghiện FB.
Ngoài ra, việc quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần của trẻ vị thành niên, xây dựng những sân chơi hấp dẫn và lành mạnh là một điều cấp thiết. Chính những sân chơi này sẽ giúp trẻ có thể giải tỏa được những áp lực trong cuộc sống, khẳng định và thể hiện được chính bản thân mình để tránh bị cuốn vào mạng xã hội ảo dẫn đến hành vi nghiện FB.

Theo Thanh niên