Văn hóa đọc trong các trường Tiểu học cần thiết xây dựng

Sáng 25/10, tại Trường Tiểu học Thị trấn Đô Lương, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo “Xây dựng và đổi mới hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc trong trường tiểu học”.

Tham dự hội thảo đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Đô Lương, Công ty Sách và thiết bị trường học Nghệ An cùng đông đảo giáo viên, chuyên viên, lãnh đạo các phòng giáo dục của 21 huyện, thành, thị trong tỉnh. 

Trong trường tiểu học, việc phát triển văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách ngày càng có ý nghĩa. Đọc sách là thói quen giúp các em lĩnh hội các giá trị văn hóa xã hội; hình thành và phát triển kỹ năng tiếp nhận thông tin, tiếp nhận tri thức – những yếu tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách cho các em. Đồng thời giúp các em tiếp nhận thông tin đã chọn lọc trong bối cảnh bùng nổ thông tin, trong đó có nhiều thông tin lệch lạc, phiến diện tràn lan trên mạng xã hội hiện nay.


Ông Thái Huy Vinh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc hội thảo.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu được nghe tham luận của ngành Giáo dục một số địa phương trong việc xây dựng mô hình thư viện trường học, như Đô Lương (100% số trường tiểu học có thư viện, trong đó có 61% đạt tiêu chuẩn thư viện trường học); Diễn Châu (100% số trường tiểu học có thư viện, hàng năm đều tổ chức ngày hội đọc sách vào ngày 21/4 nhằm khuyến khích các em có sự đam mê với sách); Quỳ Châu (16/16 trường tiểu học có thư viện hoạt động hiệu quả, 100% số trường có đủ tủ sách, chỗ ngồi cho giáo viên và học sinh trong phòng đọc)…

Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu tập trung bàn về các vấn đề, gồm: Tầm quan trọng của việc xây dựng và đổi mới thư viện, phát triển văn hóa đọc; thực trạng xây dựng, định hướng và đổi mới hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc trong trường tiểu học.

Qua đó, đại biểu nhất trí, để xây dựng thành công văn hóa đọc sách cho học sinh phổ thông, ngoài việc đầu tư phòng đọc thì cần đa dạng hóa đầu sách và các cơ sở vật chất khác phục vụ việc đọc sách. Các trường cần có kế hoạch xây dựng loại hình thư viện phù hợp với tình hình đặc điểm của nhà trường, thị hiếu đọc của từng đối tượng, vùng miền; thường xuyên tổ chức thi kể truyện theo sách, viết văn theo chủ điểm.

Giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Đô Lương hướng dẫn học trò chọn sách tại thư viện ngoài trời.

Trong điều kiện khó khăn, các trường có thể thực hiện việc trao đổi sách với nhau nhằm làm phong phú thêm đầu sách; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh về vai trò, ý nghĩa của văn hóa đọc. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự ủng hộ của phụ huynh, các tổ chức, cá nhân để tăng đầu sách cho thư viện.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục phải thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thư viện để đội ngũ này có định hướng tốt hơn nữa trong việc đặt mua sách phục vụ công tác dạy và học trong nhà trường; phối hợp với Công ty Sách – Thiết bị trường học và thư viện tỉnh tổ chức thường niên “Ngày hội đọc sách” ở cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Ngoài ra, ngành cần sớm thông qua và trình UBND tỉnh Đề án “Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc ở trường phổ thông” để có cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện.

Theo Báo Nghệ An