Nếu ai đó có dịp đến thăm trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai hẳn sẽ bất ngờ trước sự nhanh nhẹn, hoạt bát và tự tin của học sinh nơi đây cũng như quang cảnh xinh đẹp, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại của ngôi trường này. Đóng góp không nhỏ vào những thành quả đó chính là vai trò đầu tàu của cô giáo, hiệu trưởng nhà trường Bùi Thị Kim Chi.
Cơ duyên gắn bó với mảnh đất biên giới
Tâm sự về lý do “nên duyên” với mảnh đất Lào Cai, cô Chi mủm mỉm cười: Mình là giáo viên tiểu học của tỉnh Nam Định theo chồng lên Lào Cai công tác từ ngày đầu tái lập tỉnh với rất nhiều khó khăn. 9 năm là giáo viên thành phố Lào Cai, 6 năm là chuyên viên phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai, từ năm 2009 đến nay là phó hiệu trưởng và hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai.
Nhớ lại quãng thời gian hai chục năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, cô giáo Kim Chi khẳng định: “Chính tình yêu, sự quan tâm hồn nhiên, trong sáng của học sinh đã cho tôi động lực để trụ lại với nghề và tôi luôn tự hào về nghề mình đã chọn”.
Những ngày đầu mới vào nghề, lương thấp, một tháng lương có 40 nghìn đồng và 13 cân gạo, cô Chi phải làm thêm nghề tay trái là thợ may. Ngày đi dạy học, tối về lại hì hụi cắt may tới tận khuya, bù lại, một tối cũng làm được 15 nghìn đồng tiền công nên có lúc cô đã từng nghĩ đến chuyện thay đổi công việc. Song mỗi buổi lên lớp, khi ra chơi các em vây quanh cô kể chuyện nhà, rồi xin gọi cô bằng mẹ,… Những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy lại giúp cô có thêm quyết tâm theo nghề đến cùng.
Khi được hỏi về những học sinh của mình, cô giáo Kim Chi chia sẻ, cô học được nhiều ở chính các em thông qua việc khích lệ óc sáng tạo của học sinh. Cô dạy các em bằng tình yêu trẻ và đưa đến cho các em những khát vọng đầu đời như người đi gieo hạt giống để chờ mong những mùa quả ngọt.
Đối với cô Chi, học sinh tiểu học như những hạt giống quý, nếu biết khơi dậy trong các em khát khao tìm hiểu thì các em sẽ sáng tạo không ngừng. Khi các em tò mò khám phá, nếu giáo viên luôn biết khơi dậy tinh thần học hỏi của các em thì sẽ phát hiện và nuôi dưỡng được nhiều tài năng hơn cả thực tế.
Bí quyết làm giáo dục vùng cao
Không phải ngẫu nhiên mà trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai được Bộ GD&ĐT chọn ghi băng đĩa hình buổi sinh hoạt chuyên môn (SHCM) của trường để mình họa cho tập huấn SHCM của toàn quốc trong hè năm 2015.
Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) “Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn ở trường tiểu học” của cô giáo Kim Chi được áp dụng từ năm học 2012 – 2013, được hoàn thiện và nhân rộng toàn tỉnh từ năm học 2013-2014. Đây được đánh giá là mô hình “kiểu mẫu” để các trường trong toàn tỉnh và cả nước triển khai nhân rộng.
Tại lễ tuyên dương khen thưởng cán bộ quản lý giỏi tiểu học cấp quốc gia lần thứ nhất năm 2012, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đánh giá cao sáng kiến có tính ứng dụng cao, lại đến từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lào Cai của cô giáo Bùi Thị Kim Chi.
Với mong muốn học sinh được học thật, được học vui vẻ và hiệu quả, cô Chi nhận ra giáo viên chính là yếu tố quyết định trong việc thực hiện điều này. Sau nhiều trăn trở, suy nghĩ, cô quyết định lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn và đây là yếu tố quyết định thay đổi chất lượng đội ngũ giáo viên nhà trường.
Điểm nổi bật trong SKKN “Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn ở trường tiểu học” là việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, thống nhất soạn bài với tinh thần khuyến khích giáo viên sáng tạo, không lệ thuộc sách giáo khoa, sách giáo viên và những quy định máy móc, hình thức hay ý định chủ quan của người quản lý.
Sáng kiến cũng đề xuất tổ chức dự giờ theo cách người dự tập trung quan sát học sinh học tập là chính, không làm ảnh hưởng đến người dạy. Khi thảo luận, trao đổi chủ yếu bàn về những tình huống nổi trội của giờ dạy, nguyên nhân học sinh học tốt, nguyên nhân học sinh gặp khó khăn. Sau sinh hoạt chuyên môn, mỗi giáo viên tự suy ngẫm để tìm ra các giải pháp khắc phục những khó khăn trong học tập của học sinh và thiết kế (sáng tạo) lại bài học.
Chia sẻ về những thay đổi sau khi áp dụng các giải pháp của đổi mới SHCM, đặc biệt là triển khai dạy học theo tài liệu VNEN, cô Chi cho biết: “Học sinh được quan tâm rèn kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lắng nghe tích cực nên các em được tôn trọng khi nói, khi điều hành hoạt động. Chính vì thế mà kĩ năng trình bày trước đám đông, kĩ năng thuyết trình, điều hành hoạt động của học sinh chuyển biến rõ nét”.
Hiện nay, các hoạt động điều hành các hoạt động phần lớn là do học sinh đảm nhiệm, các em tự điều hành giờ chào cờ, tự điều hành các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm… Hàng năm nhà trường có nhiều cặp đôi MC tham gia dẫn chương trình của ngành và của địa phương. Các em có thể tự tin, tự trình bày báo cáo giới thiệu về trường không cần dùng văn bản với các đoàn khách đến thăm trường.
Ánh mắt rạng rỡ niềm tự hào, cô hiệu trưởng tâm sự rất thật: “Có thể nhiều người không tin vào điều tôi vừa nói. Có cô giáo đã từng đến gặp tôi để xin bài viết giới thiệu về trường mà tôi đã viết cho học sinh để tập cho học sinh lớp mình báo cáo về lớp. Và cô giáo đó rất ngạc nhiên khi tôi nói rằng không có văn bản nào cả, hoàn toàn là do các em đã được làm và nay nói lại mà thôi”.
Bất cứ sự đổi mới nào cũng gặp như khó khăn và SKKN của hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cũng không phải ngoại lệ. Cô Kim Chi cho biết, ban đầu thí điểm sáng kiến này cũng gặp nhiều khó khăn bởi không quyết liệt sẽ trượt về phương pháp cũ. Lúc này vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng, cô Kim Chi vừa trực tiếp lên lớp trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, vừa động viên, khuyến khích giáo viên, nhất là giáo viên trẻ tích cực sáng tạo. Giáo viên tiểu học – những người làm nhiệm vụ ươm mầm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển cả về trí tuệ và nhân cách của mỗi học sinh sau này.
Theo cô Chi hiệu quả đạt được của mô hình sinh hoạt chuyên môn không chỉ thể hiện ở con số thống kê học sinh khá, giỏi hay giải thưởng tại các cuộc thi mà quan trọng hơn, mỗi giáo viên và học sinh luôn được phát huy khả năng sáng tạo của mình.
Theo Dân trí